Bạn đã chơi lan ý thảo đúng cách chưa | Nông nghiệp phố
Nông Nghiệp Phố
Th 7 12/12/2020
Nội dung bài viết
Cách trồng và chăm sóc lan ý thảo
Lan ý thảo được giới chơi lan đánh giá là loại hoa lan quý và đẹp, có sắc hoa 3 màu hài hòa cùng giả hành mang dáng vẻ ung dung cứng cáp, một vẻ đẹp đặc biệt không lẫn với bất kỳ loại lan nào.
Cùng Nông nghiệp phố tìm hiểu ngay cách trồng và chăm sóc lan ý thảo nhé.
1. Nguồn gốc và phân bố của lan ý thảo
Lan ý thảo còn được gọi là lan hoàng thảo ý thảo, hay ý thảo 3 màu, có danh pháp khoa học là Dendrobium gratiosissimum.
Lan ý thảo thường được tìm thấy trong các khu rừng sớm rụng lá và khô, hoặc những khu rừng miền núi đất thấp ẩm ướt ở độ cao từ 0m - 1500m.
Trên thế giới, lan ý thảo có thể được tìm thấy ở nhiều khu vực như Hải Nam Trung Quốc, Assam Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Myanma.
Ở Việt Nam, lan ý thảo trong tự nhiên có thể tìm thấy tại các tỉnh như Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng.
2. Đặc điểm nhận biết của lan ý thảo
Lan ý thảo mọc thành cụm, với thân tròn và phân đốt, được bao vỏ bao quanh. Thân thòng xuống, dài khoảng 25cm - 40 cm và rộng 0.5cm - 0.7cm. Lá lan ý thảo xếp thành hai dãy, hình mác dài 8cm - 10cm, rộng 1.2cm - 1.8cm.
Hoa lan ý thảo mọc thành cụm gần các đốt ở phần trên của thân không còn lá. Mỗi cụm hoa thường có 1 - 4 hoa hoa lộn ngược.
Hoa lan ý thảo màu trắng đến tím nhạt và có chóp màu tím ở đỉnh cánh hoa. Cánh môi màu trắng, gốc hơi thót và là điểm nhấn của lan ý thảo, bên trong cánh môi có màu vàng cam như lòng đỏ trứng, còn ở chóp có vạch chéo màu tím.
3. Cách trồng lan ý thảo
Lan ý thảo có cách trồng giống với lan hoàng thảo khác, bạn có thể ghép trên gỗ lũa hoặc trồng chậu đều được.
a. Chọn giống và xử lý cây giống
Chọn cây giống khô ráo không bị ướt, có lá xanh mướt, không bị rách hay vàng úa, phần mắt ngủ ở gốc không bị khô, hư hay thối. Thêm vào đó, chọn những cây không có mầm non sẽ dễ trồng hơn.
Sau khi chọn được cây giống, bạn tiến hành xử lý giống trước khi trồng, ghép gỗ. Tỉa rễ cho gọn gàng, chỉ chừa lại một đoạn 2cm - 3cm.
Sau đó ngâm toàn bộ cây vào dung dịch Physan, Benkona trong 15 - 30 phút để sát khuẩn, tiếp tục ngâm vào dung dịch Bimix Super Root để kích rễ trong khoảng 15 phút, sau đó vớt ra treo ngược lên cho khô để trồng.
b. Giá thể trồng lan ý thảo
Nếu bạn ghép gỗ lan ý thảo, chọn những loại gỗ chắc, cứng như vú sữa, nhãn già... Bóc hết phần vỏ và ngâm vào nước vôi trước khi ghép lan ý thảo.
Để cây bám chắc vào giá thể, bạn khoan thêm nhiều lỗ nhỏ trên gỗ để rễ lan chui qua và bám chặt vào gỗ hơn. Ưu điểm của phương pháp này là thoáng khí và thoát nước tốt.
Nếu bạn trồng lan ý thảo vào chậu, nên chọn loại chậu bằng đất nung có nhiều lỗ nhỏ. Trồng lan ý thảo bằng một số loại giá thể thoát nước tốt như viên đất nung, vỏ thông, dớn, xơ dừa… Nên xử lý giá thể trước khi trồng nhé.
c. Cách ghép gỗ lan ý thảo
Khi ghép vào giá thể gỗ, lũa, dớn bảng, bạn sử dụng súng bắn ghim để cố định rễ vào giá thể. Sau khi cây đã ra rễ thuần thục, bạn cần nhổ ghim ra và vệ sinh sạch các chất sắt do ghim để lại, giúp khử độc, chống nhiễm bệnh cho cây.
d. Cách trồng lan ý thảo vào chậu
Nếu trồng lan ý thảo vào chậu, bạn tiến hành lót vào 2/3 đáy một lượng than củi, vỏ thông. Chèn dớn sợi, dớn vụn hay rêu rừng xung quanh gốc lan nhưng không phủ kín các mắt ngủ gốc.
Sau đó cố định cây lan vào các dây treo chậu để giúp gốc của cây được ổn định và nhanh ra rễ. Cuối cùng, treo chậu lên giàn hay đặt ở nơi thoáng mát.
4. Cách chăm sóc lan ý thảo
Lan ý thảo phát triển trong môi trường khí hậu từ mát đến hơi nóng với điều kiện ánh sáng trung bình.
Với những cây mới ghép bạn cần duy trì độ ẩm, treo cây ở nơi thoáng mát và tưới nước hàng ngày, tốt nhất bạn nên treo cây dưới một lớp lưới che nắng hay dưới bóng cây lớn.
Khi cây đã ra rễ mạnh, cứng cáp bạn chuyển dần sang những nơi có ánh sáng mạnh hơn. Nhưng vẫn phải cân bằng độ ẩm trong khoảng từ 65% - 75%.
Bên cạnh đó, vào mùa hè thì tưới nước ngày 1 – 2 lần để luôn đảm bảo được độ ẩm tốt. Tuy nhiên, trong thời kỳ cây nghỉ đông thì ngừng tưới nước cho tới khi các chồi mới xuất hiện.
Lan ý thảo khá thích hợp bón các loại phân hữu cơ như phân trùn quế, phân dê, phân gà, phân dơi, đạm cá, ...
Để cây phát triển toàn diện, trong mùa tăng trưởng, khoảng tháng 3 - 9, bạn bổ sung các loại phân tan chậm chuyên cho lan như Rynan, phân chì Nhật Bản.
Bên cạnh đó, sử dụng các dòng phân bón lá như Powerfeed, Seasol, 30-10-10… Đồng thời kết hợp phun chung với dịch chuối hoặc Vitamin B1.
Vào mùa nghỉ, từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 đến cuối tháng 2 năm sau, bổ sung phân bón 6-30-30, 15-30-15, 10-55-10… 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày, giúp cây bước vào mùa nghỉ an toàn với đầy đủ chất dinh dưỡng cho quá trình ra hoa.
Xem thêm: Nhận diện mặt hoa và cách trồng lan huyết nhung
Qua chia sẻ của Nông nghiệp phố, hy vọng bạn sẽ có cách chơi lan ý thảo cho riêng mình. Nếu bạn có cách trồng và chăm sóc lan ý thảo tốt, chia sẻ ngay với Nông nghiệp phố nhé.
Nông Nghiệp Phố - chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp vật tư trồng rau và hoa kiểng tại nhà với hơn 1000+ sản phẩm.
➤ Website: https://nongnghieppho.vn/
➤ Hotline: 0865 399 086