Cách trồng và chăm sóc lan thạch hộc tía | Nông nghiệp phố
Nông Nghiệp Phố
Th 4 23/12/2020
Nội dung bài viết
Cách trồng và chăm sóc lan thạch hộc tía
Lan thạch hộc tía là loài hoa lan rất đẹp, đẹp từ lá tới hoa, có giá trị cả trong làm cảnh và làm dược liệu nên rất được nhiều người ưa chuộng.
Cùng Nông nghiệp phố tìm hiểu cách trồng và chăm sóc lan thạch hộc tía, một loại thảo dược quý.
1. Đặc điểm nhận dạng lan thạch hộc tía
Lan thạch hộc tía thường mọc thành cụm trên thân cây hoặc những vách đá. Cây trưởng thành cao khoảng 30cm - 50cm.
Thân cây mảnh, hơi dẹt, màu tím và chia thành các đốt dài khoảng 2.5cm - 3cm. Trên thân có những rãnh dài dọc theo thân, phần thân dưới mỏng nhỏ hơn phần trên.
Lá mọc ngay trên đỉnh bọng, so le và tạo thành dây đều 2 bên thân. Lá gần như không có cuống, hình mác hẹp, rộng khoảng 2cm - 3cm, dài khoảng 12cm, đỉnh chia 2 thùy rất nhỏ và đầu của lá hơi cuộn lại thành hình cái móng.
Hoa lan thạch hộc tía mọc thành chùm trên các cuống dài ở kẽ lá. Cánh hoa màu vàng kem, môi màu vàng nhạt, có hai vết màu hồng tím ở phần gốc. Mùa hoa nở rơi vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 hàng năm.
2. Phân bố của lan thạch hộc tía
Lan thạch hộc tía thường sống tập trung ở phần dốc núi râm mát, độ ẩm cao và vách núi đá của những khu rừng có độ cao 1.000m - 3.400m so với mực nước biển.
Trong điều kiện môi trường tự nhiên, lan thạch hộc tía ưa độ ẩm 70%, nhiệt độ không khí khoảng 12 - 18 độ C, lượng mưa 900mm – 1.500mm.
Lan thạch hộc tía được tìm thấy ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Lào, Trung Quốc, Myanmar và các nước nhiệt đới, cận nhiệt đới.
Ở Việt Nam, lan thạch hộc tía phân bố ở các tỉnh miền núi, nhiều nhất ở các tỉnh có địa hình núi đá vôi như Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Lào Cai, Lai Châu Quảng Trị, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Gia Lai, Lâm Ðồng…
3. Lan thạch hộc tía có tác dụng gì
Lan thạch hộc tía có vị ngọt, hơi mặn và đắng, là vị thuốc có tác dụng tốt trong việc bồi dưỡng cho cơ thể, bảo vệ và tăng cường sức khỏe, tăng cường khả năng miễn dịch cũng như tăng sức đề kháng.
Bên cạnh đó, lan thạch hộc tía còn sử dụng làm thuốc chữa nhiều bệnh như đau dạ dày, đầy hơi, chướng bụng khó tiêu.
Lan thạch hộc tía cũng có tác dụng bổ thận, bổ máu, tráng dương, các bệnh về đường huyết, tim mạch và cholesteron.
Lan thạch hộc tía có thể điều trị suy nhược thần kinh, đau đầu, chóng mặt, khó ngủ, ù tai, hoa mắt, mờ mắt, mỏi mắt, suy giảm trí nhớ và chức năng não bộ.
Lan thạch hộc tía giúp các khớp trơn tru, tăng cường dịch nhờn ở khớp, dẻo dai gân cốt, đặc biệt tốt cho người bệnh khớp.
Đẹp da, chống lão hóa, nám tàn nhang, đồi mồi… Đặc biệt, lấy giả hành giã nát rồi đắp vào vết bỏng sẽ làm dịu vết bỏng và nhanh chóng lành vết bỏng.
Ngoài việc làm thuốc, có thể dùng lan thạch hộc tía để nấu súp với hồng sâm, bách sa có tác dụng lợi phổi, sinh tân. Hoặc nấu thành nhiều món khác như trà thạch hộc, cháo thạch hộc…
4. Cách trồng lan thạch hộc tía
Sau khi mua cây giống về, bạn tiến hành cắt tỉa rễ, lá, thân hỏng đi. Sau đó ngâm vào dung dịch Physan, Benkona trong 15 - 20 phút để sát khuẩn rồi vớt ra để ráo.
Tiếp theo ngâm vào chế phẩm Hùng Nguyễn trong 15 phút để kích thích ra rễ và nảy chồi, sau đó vớt ra treo ngược lên cho khô để trồng.
Bạn có thể trồng vào chậu hoặc ghép vào dớn bảng. Nếu trồng chậu bạn nên chọn các loại giá thể giữ ẩm nhưng thoát nước tốt như vỏ thông, dớn vụn, viên đất nung…
5. Cách chăm sóc lan thạch hộc tía
Sau khi trồng, cây lan thạch hộc tía có tỷ lệ sống rất cao và phát triển khá nhanh, tuổi thọ trung bình của một cây lan thạch hộc tía có thể lên đến 6 năm nếu bạn chăm sóc tốt.
Lan thạch hộc tía thích sống ở điều kiện mát mẻ, nên bạn cần đặt cây ở dưới một lớp lưới che nắng hay dưới bóng cây to để đảm bảo nhiệt độ khoảng 18 - 33 độ C, ánh sáng khoảng 50%.
Ở giai đoạn mới trồng, để cây phát triển tốt thân, lá cần chú ý bổ sung phân bón có hàm lượng đạm cao như 30-10-10, đầu trâu 501, Powerfeed, Seasol... đồng thời kết hợp với dịch chuối, Vitamin B1.
Tưới toàn bộ cành và lá, tưới vào buổi sáng để cây hấp thụ phân bón tốt nhất. Hoặc bạn có thể sử dụng kết hợp các loại phân tan chậm chuyên dùng cho lan như phân trùn quế viên, phân dê, phân gà nhật, đạm cá…
Khi cây trưởng thành, bước vào thời gian cây tập trung tích lũy dinh dưỡng chuẩn bị cho giai đoạn ra hoa thì bạn bổ sung các loại phân bón có hàm lượng lân và kali cao như đầu trâu 701, 15-30-15, 10-55-10, 6-30-30… Định kỳ 7 - 10 ngày/ lần.
Ngoài ra, hàng tháng bạn nên phun phòng nhện đỏ và bọ trĩ bằng chế phẩm sinh học Neem Chito, chế phẩm trừ sâu sinh học Radiant. Song song đó, bạn phòng trừ ốc sên bằng cách rải bả ốc sên
6. Cách sử dụng và bảo quản lan thạch hộc
Ngoài việc trồng lan thạch hộc tía để chiêm ngưỡng, chơi hoa, bạn cũng có thể thu hái toàn bộ cây để chế biến món ăn ngon hay làm thuốc.
Bạn chỉ cần dùng kéo cắt phần trên gốc, chỉ cắt thân già, giữ lại thân non để phát triển tiếp. Cắt từ phần trên của rễ, để lại ít nhất 2 đốt để năm sau cây tiếp tục đâm chồi nảy lộc.
Bạn có thể chế biến cây lan thạch hộc tía theo nhiều cách như ngắt hoa tươi cho vào nước sôi như pha trà rồi uống, hoặc lấy thân, lá, hoa ngâm rượu nhẹ uống giúp bồi bổ cơ thể, tráng kiện gân cốt, sinh tinh bổ huyết.
Hoặc bạn cũng có thể chế biến lan thạch hộc tía như một loại rau, đem hầm với chân giò, hầm gà, xào tỏi, xào thịt bò, hay luộc như luộc rau rồi chấm nước mắm ăn cũng rất ngon.
Nếu có nhiều hoa quá, bạn cũng có thể ngắt rồi phơi khô trong mát hoặc phơi với ánh nắng yếu, nếu có quá nhiều cây bạn cũng có thể phơi cả giả hành, rồi bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc và ánh nắng trực tiếp.
⫸ Xem thêm: cách kích hoa lan nở ngay Tết Nguyên Đán
⫸ Xem thêm: Bạn đã chơi lan ý thảo đúng cách chưa
⫸ Xem thêm: Nhận diện mặt hoa và cách trồng lan huyết nhung
Lan thạch hộc tía vốn là một loại thuốc quý, hoa lan thạch hộc tía cũng rất đẹp, bạn có thể trồng để làm cảnh và sử dụng. Cách trồng và chăm sóc lan thạch hộc tía cũng không quá khó, chúc bạn sẽ có những chậu lan thật đẹp.
Nông Nghiệp Phố - chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp vật tư trồng rau và hoa kiểng tại nhà với hơn 1000+ sản phẩm.
➤ Website: https://nongnghieppho.vn/
➤ Hotline: 0865 399 086