DANH MỤC SẢN PHẨM

Cách trồng và chăm sóc lan càng cua | Nông nghiệp phố

Nông Nghiệp Phố
Th 6 23/10/2020
Nội dung bài viết

Cách trồng và chăm sóc lan càng cua

 

Lan càng cua hay còn gọi là hoa Nhật quỳnh, Tiểu quỳnh, với hình dáng vô cùng đặc biệt, màu sắc rực rỡ đã cuốn hút nhiều người yêu thích ngay từ cái nhìn đầu tiên và trở thành thú vui tao nhã của những người trồng cảnh. 

 

Vậy bạn đã biết cách trồng và chăm sóc lan càng cua chưa, cùng Nông nghiệp phố tìm hiểu ngay nhé.

 

1. Ý nghĩa của cây lan càng cua

 

Những nhành lan càng cua luôn mang lại một vẻ đẹp đối lập hài hòa, nét cứng cáp nhưng lại mềm mại của dáng hoa, điểm thêm những bông hoa rực rỡ. Vì vậy, loài hoa này đại diện cho một tình yêu nồng nàn, mãnh liệt nhưng lại lặng lẽ, thủy chung.

 

lan-cang-cua

 

Bên cạnh đó, hoa lan càng cua thường sẽ nở vào dịp giáng sinh nên được cho rằng nó sẽ mang đến may mắn cho người trồng với ý nghĩa thay đổi số phận, vận may sẽ đến nhanh chóng ngay trên đầu.

 

2. Công dụng của cây lan càng cua

 

Lan càng cua cực kỳ sai hoa, dáng hoa độc đáo, lại chịu bóng râm tốt nên rất được ưa chuộng dùng làm cây cảnh nội thất, cây văn phòng, mang lại sự thư thái, nhẹ nhàng cho người yêu hoa.

 

lan-cang-cua

 

Ngoài ra, lan càng cua còn có khả năng hấp thụ các chất độc hại trong không khí, mang lại không gian xanh. Vào ban đêm, loài cây này có thể hút khí CO2 và nhả khí O2, làm tăng oxy trong không khí, giúp giấc ngủ của bạn được tốt hơn, nên thích hợp trưng trong phòng ngủ.

 

Lan càng cua có hoa nở đúng vào dịp giáng sinh nên được lựa chọn là món quà ý nghĩa cho người thân, bạn bè, đối tác, đồng nghiệp…

 

Ngoài tác dụng trang trí, lan càng cua còn dùng làm thuốc chữa bệnh có tác dụng chữa viêm và sưng hiệu quả, có thể dùng làm thuốc trị những vết lở, vết tấy.

 

3. Đặc điểm của lan càng cua

 

Lan càng cua xuất xứ từ Brazil, là một loại hoa thuộc họ xương rồng, có thân bụi, gốc cây già sẽ hóa gỗ, với chiều cao trung bình khoảng 20 - 40cm. Thân cây rất mềm và mọng nước, có màu xanh bóng, phân nhiều cành nhánh với chiều dài trung bình khoảng từ 4 - 5cm.

 

lan-cang-cua

 

Mỗi cành, nhánh sẽ có 2 - 3 cánh dẹt, mép có răng cưa và thắt lại ở đốt giữa chia thành các khúc, buông rũ xuống phía dưới xòe ra thành tán rộng khoảng 30 - 45cm.

 

Hoa lan càng cua thường mọc đơn ở đỉnh cành, buông rủ xuống tạo thành một tổng thể hài hòa, bắt mắt. Hoa thường dài 7 - 13cm và rộng khoảng 4cm, với các cánh hoa xếp dạng xoắn ốc nhiều màu sắc như tím, hồng, đỏ, trắng, vàng, cam… cùng mùi hương dịu nhẹ. Lan càng cua ra hoa trong thời gian dài, hoa nở từ tháng 9 - 4 năm sau.

 

Lan càng cua cũng có quả, quả hình tròn, màu đỏ. Nhờ màu sắc bắt mắt của quả nên hấp dẫn rất nhiều loài chim đến ăn quả. Do vậy, hạt cây sẽ được phát tán đi nhiều nơi.

4. Cách nhân giống lan càng cua

 

Lan càng cua thuộc họ xương rồng nên rất dễ nhân giống bằng nhiều phương pháp khác nhau.

 

a. Nhân giống lan càng cua bằng phương pháp giâm cành

 

lan-cang-cua

 

Bạn chỉ cần ngắt một cành lan càng cua và giâm xuống đất ẩm rồi tưới một ít nước. Sau đó cách 3 - 5 ngày tưới nước 1 lần, nhưng không để đọng nước, sau 1 tháng là ra rễ, nảy chồi mới. Phương pháp này đơn giản, ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là cây không đẹp và hoa không nhiều.

 

b. Nhân giống lan càng cua bằng phương pháp ghép cành

 

lan-cang-cua

 

Bạn lựa chọn một cây thanh long để làm gốc ghép. Cách ghép vô cùng đơn giản, đầu tiên bạn cần vạt xéo góc một đoạn lá ngắn lan càng cua để mối ghép được nhẹ, ít bị lay động.

 

Sau đó lấy dao chẻ xéo cạnh của gốc thanh long làm chân ghép, rồi đặt đoạn lan càng cua đã vạt xéo vào rảnh cắt - mặt phẳng vạt xéo của lan càng cua quay xuống dưới. Tiếp theo là lấy một mẩu tăm nhỏ ghim cố định, sau đó chờ mủ cây khô và dùng keo liền sẹo bôi vào.

 

Bạn có thể ghép nhiều nhánh lan càng cua cùng lúc trên gốc thanh long. Nhưng cần lưu ý là chẻ và vạt sao cho vừa khít để mối ghép được vững và mau liền sẹo.

 

Sau khi ghép, bạn trùm túi nilon, để nơi mát khô ráo, râm mát từ 10 - 15 ngày. Khi tưới nước không nên tưới nhiều, không tưới vào vết ghép, sau 10 - 15 ngày là cây sống ổn định. Mang ra nắng từ từ, sau một tháng trở lên mới để nơi có nhiều ánh sáng.

 

Nếu bạn muốn giấu gốc thanh long ghép đi thì có thể ghép thấp xuống, vị trí ghép cách mặt đất vài cm, sau đó khi nhánh lan càng cua đã lên mạnh thì phủ thêm đất vào gốc ghép để che hẳn gốc thanh long đi, nhìn sẽ giống như là cây nguyên thủy mà vẫn phát triển mạnh nhờ bộ rễ khỏe.

 

Sau khi ghép được 1 năm tuổi, lan càng cua sẽ cho hoa. Có thể ghép nhiều cây có màu hoa khác nhau lên cùng một gốc thanh long để có nhiều màu hoa trên cùng một cây.

 

5. Cách trồng lan càng cua vào chậu

 

a. Chậu trồng

 

Nếu bạn thật sự yêu thích loài hoa này, nhớ trang bị một chậu trồng phù hợp cho nó nhé. Nên lựa chọn một chậu trồng phía dưới đáy có nhiều lỗ thoát nước.

 

b. Đất trồng

 

Đất trồng lan càng cua nhiều chất dinh dưỡng, chua nhẹ, tơi xốp, thoáng khí, thoát nước tốt và không cần quá giữ nước. Bạn trộn giá thể trồng lan càng cua theo tỷ lệ 3 đất sạch : 3 phân trùn quế : 2 trấu hun : 1 đá perlite : 1 viên đất nung. Bạn có thể thêm vào giá thể trồng một ít nấm Trichoderma để phòng ngừa nấm bệnh.

 

c. Cách trồng lan càng cua vào chậu

 

lan-cang-cua

 

Sau khi chuẩn bị chậu và giá trồng phía trên, bạn lót một lớp viên đất nung ở phía đáy chậu rồi cho giá thể trồng vào sao cho thấp hơn miệng chậu 1.5cm – 2cm, ngắt các nhánh lan càng cua và giâm vào chậu.

 

Hoặc bạn đặt cây đã ghép gốc hoàn chỉnh vào giữa chậu, sau đó vùi một lớp đất trồng phía trên sao cho phần gốc nhô lên một chứt so với giá thể để cây không bị lung lay và không bị thối gốc.

 

Sau khi trồng xong, không nên tưới nước ngay mà để trong bóng râm khoảng nửa ngày đến một ngày cho cây quen với môi trường mới. Sau đó tưới đẫm nhẹ để tránh lay gốc cây.

 

6. Cách chăm sóc lan càng cua

 

Lan càng cua thuộc loại cây ưa bóng, không cần tưới nhiều nước. Trong quá trình chăm sóc cần lưu ý một số điểm sau đây.

 

a. Ánh sáng

 

Lan càng cua là cây ưa bóng, chịu ánh nắng yếu, thích hợp với môi trường râm, có tính hướng sáng mạnh nhưng lại sợ ánh sáng mặt trời trực tiếp. Chính vì là cây ưa bóng nên lan càng cua được trồng trong nhà như một cây trang trí nội thất, cải thiện không gian sống.

 

lan-cang-cua

 

Mùa xuân, thu có thể đem cây ra ngoài trời để cung cấp đầy đủ ánh sáng, giúp cây quang hợp và tích lũy chất dinh dưỡng. Mùa đông đem cây vào phòng và chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang. Còn mùa hè thì đặt ở những nơi bóng râm hoặc che nắng bằng lưới thì lá cây mới giữ được màu tươi sáng.

 

b. Nhiệt độ

 

Nhiệt độ lý tưởng cho sự phát triển của lan càng cua là 15 đến 25 độ C, cao nhất không quá 28 độ C và thấp nhất là 15 độ C. Khi nhiệt độ xuống đến khoảng -40 độ C cây có thể bị chết giá, cao hơn 35 độ C cây phát triển kém. Nhiệt độ mát cũng là yếu tố cần cho việc ra nụ hoa.

 

c. Độ ẩm

 

Lan càng cua ưa ẩm trung bình, độ ẩm thích hợp nhất là 40% - 60%. Cây dễ bị nhiễm bệnh và thối nhũn nếu trời mưa và râm dài ngày. Đất trồng trong chậu cũng có độ ẩm vừa phải.

 

d. Chế độ tưới nước

 

Lan càng cua là loại cây xương rồng nên có khả năng giữ nước khá tốt. Vì vậy, việc tưới nước không cần nhiều, chỉ cần tưới vừa đủ mỗi ngày, tưới khi thấy đất mặt se khô. Tránh tưới quá nhiều khiến cho cây bị úng, dễ chết.

 

lan-cang-cua

 

Khi cây ra hoa cần tưới đủ nước, tưới ít quá sẽ làm hoa rụng nhanh, tưới nhiều quá thì úng cây. Sau khi hoa tàn, hạn chế tưới nước khoảng một tháng, tưới nhẹ chỉ để ngăn ngừa bị héo. Đừng quá lo lắng nếu một vài chiếc lá bị rụng.

 

e. Phân bón cho lan càng cua

 

Lan càng cua có nhu cầu phân trung bình, định kỳ khoảng 10 - 15 ngày bón phân 1 lần. Nên kết hợp phân bón gốc và phân bón lá để cây phát triển tốt nhất. Bạn có thể sử dụng phân trùn quế viên nén, phân dê Vào thời kỳ cây nở hoa, nên bón phân có hàm lượng kali cao như phân NPK 6-30-30, powerfeed để dưỡng hoa.

 

f. Cách giúp lan càng cua ra nhiều hoa

 

Muốn lan càng cua nở nhiều hoa, hoa có màu sắc đẹp thì trước khi hoa nở khoảng 40 - 70 ngày, mỗi ngày phải để trong buồng tối 12 - 14 giờ.

 

g. Sâu bệnh hại lan càng cua

 

Bệnh vàng lá: Cần phải tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào cây. Một nguyên nhân khác gây vàng lá ở lan càng cua đó là do nhện đỏ phá hoại nên phun phòng bằng các chế phẩm sinh học như Neem Chito, Dịch tỏi…

 

Bệnh rụng hoa: Lan càng cua rụng nụ, rụng hoa là do thiếu dinh dưỡng hay thời tiết quá lạnh hoặc đất quá ẩm. Nên khi chăm sóc cần chú ý tưới nước và bón phân hợp lý. Mùa đông cần mang vào phòng để tránh rét.

 

Xem thêm: Cách trồng và chăm sóc lan trứng bướm

 

Xem thêm: Cách trồng và chăm sóc lan báo hỷ ra hoa ngay Tết

 

Khu vườn hoặc một góc nhà bạn sẽ trở nên rực rỡ hơn với chậu hoa lan càng cua. Nếu cũng yêu thích loài hoa này như Nông nghiệp phố thì trồng ngay một chậu lan càng cua nhé.


Nông Nghiệp Phố - chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp vật tư trồng rau và hoa kiểng tại nhà với hơn 1000+ sản phẩm. 

➤ Website: https://nongnghieppho.vn/

➤ Hotline: 0865 399 086

Nội dung bài viết