Cách xử lý giá thể trồng lan, có thể sử dụng những loại nào tốt nhất? Vỏ thông bị ẩm mốc sau khi phơi khô có cần phải xử lý lại không?
Nông Nghiệp Phố
Th 3 19/01/2021
Nội dung bài viết
Cách xử lý giá thể trồng lan, có thể sử dụng những loại nào tốt nhất? Vỏ thông bị ẩm mốc sau khi phơi khô có cần phải xử lý lại không?
Giá thể trồng lan có rất nhiều loại, tùy theo từng loại lan, mục đích sử dụng, điều kiện và sở thích người chơi lan sẽ lựa chọn và sử dụng các loại giá thể khác nhau. Có thể kể đến các loại giá thể được sử dụng phổ biến hiện nay như: vỏ thông, than, xơ dừa, dớn, rêu rừng, gỗ lũa,…
Đề đảm bảo cho lan được phát triển tốt, hạn chế được các yếu tố nấm bệnh, trước khi trồng lan giá thể nên được xử lý kỹ.
- Vỏ thông: nếu vỏ thông bạn mua về là loại đã qua xử lý thì trước khi sử dụng bạn chỉ cần ngâm với nước 2 – 3 tiếng để vỏ thông ngậm no nước, chìm hẳn xuống đáy rồi vớt ra để rao là mang đi trồng được. Trường hợp bạn mua loại chưa qua xử lý thì phải tiến hành các bước xử lý như sau:
+ Ngâm với nước sạch cho vỏ ngậm no nước trong vòng 2 -3 tiếng rồi sau đó vớt ra.
+ Tiến hành pha nước vôi với liều lượng 1kg vôi với 10 lít nước rôi cho vỏ thông vào ngâm tiếp 2 – 3 ngày. Ngoài vôi bạn cũng có thể sử dụng Physan hay Benkona pha với nước liều lượng 2ml/ 1 lít nước sạch rồi ngâm 12 – 24 tiếng.
+ Sau khi ngâm vôi/ thuốc bạn vớt giá thể ra và tráng lại thật kỹ với nước sạch, để ráo rồi mang đi trồng.
* Lưu ý: Giá thể vỏ thông phải được ngậm đủ nước thì mới không bị nấm mốc. Trường hợp vỏ thông để lâu bị nấm mốc cần được tiến hành xử lý lại từ đầu để đảm bảo an toàn khi trông lan. Nếu kỹ bạn có thể tiến hành thêm bước luộc lại với nước sôi trong vòng 20 – 30 phút rồi xử lý gái thể như các bước trên.
- Than: thông thường giá thể bằng than ít phát sinh nấm mốc, nên bạn có thể xử lý than bằng cách ngâm với nước 1 – 2 ngày để than ngậm đủ nước rồi mang đi trồng là được. Trường hợp bạn muốn xử lý kỹ hơn có thể tiến hành thực hiện các bước xử lý như giá thể vỏ thông.
- Xơ dừa: để xử lý giá thể xơ dừa, bạn tiến hành ngâm xả với nước sạch cho đến khi nước trong không còn màu vàng trong vòng 2 – 3 ngày, sau đó mang đi ngâm với nước vôi 2 – 3 ngày hoặc xử lý với thuốc Physan hay Benkona tương tự như vỏ thông, sau đó tráng lại với nước sạch để ráo và mang đi trồng.
- Dớn: có rất nhiều loại như dớn bảng, dớn trụ, dớn vụn, dớn mềm… nhưng cơ bản cách xử lý các loại dớn này là như nhau. Các bước xử lý được thực hiện như sau:
+ Ngâm rửa thật sạch với nước.
+ Pha nước vôi với liều lượng 1kg/ 10 lít nước sạch, sau đó cho dớn vào ngâm 2 – 3 ngày để diệt nấm khuẩn, côn trùng, trung hòa axit.
+ Sau khi ngâm với vôi, vớt ra và tráng lại thật kỹ với nước sạch, để ráo rồi mang đi trồng.
- Gỗ, lũa: là loại giá thể rất bền, nhưng không phải cây nào cũng có thể sử dụng để ghép lan. Sau khi đã chọn được lũa thích hợp bạn nên bóc sạch lớp vỏ của cây sau đó dùng bàn chải sắt chà thật sạch đất cát, rong rêu, dùng vòi nước với áp suất cao phun thật kỹ. Để yên tâm hơn bạn có thể khò lửa hoặc thui cháy xém lớp bên ngoài đi.
+ Ngâm với nước 7 – 10 ngày cho cục lũa được ngậm no nước, đồng thời trong thời gian ngâm nên xả nước thường xuyên để loại bỏ muối chát hay chất đắng, chua cay có trong gỗ.
+ Tiếp tục ngâm với nước vôi hoặc Physan/ Benkona 1 – 2 tiếng để sát khuẩn, loại trừ nấm bệnh.
+ Xả lại với nước sạch, để ráo rồi tiếp tục thực hiện ghép lan.