Đặc điểm, cách trồng và chăm sóc cây trầu bà cẩm thạch | Nông nghiệp phố
Nông Nghiệp Phố
Th 3 22/06/2021
Nội dung bài viết
Đặc điểm, cách trồng và chăm sóc cây trầu bà cẩm thạch
Cây trầu bà cẩm thạch có tất cả công dụng tốt của cây trầu bà, nhưng lại cực kỳ nổi bật và khác lạ ở những chiếc lá nhiều màu sắc. Cây trồng bà cẩm thạch lại rất dễ trồng và chăm sóc tại nhà, cực kỳ thích hợp trồng chậu để bàn hay chậu thủy canh.
Nếu bạn vẫn chưa hiểu rõ về cây trầu bà cẩm thạch thì hãy cùng Nông nghiệp phố tham khảo ngay bài viết sau đây để biết đặc điểm, cách trồng và chăm sóc cây trầu bà cẩm thạch tại nhà nhé.
1. Đặc điểm cây trầu bà cẩm thạch
Trầu bà cẩm thạch tên tiếng anh là Marble Queen Pothos, còn tên khoa học trầu bà cẩm thạch là Epipremnum aureum. Cây thuộc họ Ráy, có nguồn gốc từ miền bắc Australia, Malaysia.
Về đến Việt Nam, cây trầu bà cẩm thạch được ưa chuộng trồng làm cảnh ở khắp các tỉnh từ Nam chí Bắc, bởi màu sắc lá độc đáo giúp không gian thêm tươi mới hơn.
Trầu bà cẩm thạch là cây thường xanh sống lâu năm, dạng dây leo. Thân cây mềm mại rũ xuống. Đôi khi, cây còn có khả năng leo lên cao khi có điểm tựa như tường nhà, cột...
Lá trầu bà cẩm thạch hình tim gắn trên cuống lá dài màu trắng. Điểm đặc biệt của trầu bà cẩm thạch nằm ở những chiếc lá màu loang những vệt trắng trên nền xanh với hoa văn bất định, mỗi lá mỗi hoa băn tạo nên một vẻ đẹp cuốn hút.
2. Ý nghĩa cây trầu bà cẩm thạch
Với dáng hình thanh tao, màu lá nhẹ nhàng, trầu bà cẩm thạch tượng trưng cho sự mến khách, hòa nhã nên rất thích hợp đặt ở bàn lễ tân, phòng tiếp khách hay phòng họp.
Bên cạnh đó, ý nghĩa phong thủy của trầu bà cẩm thạch cũng rất tốt. Trong phong thủy, trầu bà cẩm thạch tượng trưng cho sức khỏe bền lâu, cây mang lại may mắn, bình an và hưng thịnh cho gia chủ.
Với màu 2 màu xanh trắng đặc trưng, cây trầu bà cẩm thạch hợp mệnh kim, tất cả những tuổi hợp vào mệnh kim đều phù hợp để trồng cây trồng bà cẩm thạch, để giúp tăng vượng khí cho bản thân và gia đình.
3. Công dụng của cây trầu bà cẩm thạch
Cũng giống như cây trầu bà thông thường, cây trầu bà cẩm thạch có khả năng hấp thụ các tia phóng xạ từ các thiết bị điện tử như máy vi tính, loại bỏ chất gây ung thư formaldehydes và nhiều chất hóa học dễ bay hơi khác.
Do đó cây trầu bà cẩm thạch rất được ưa chuộng và được chọn làm cây nội thất trang trí nhà cửa, cơ quan, công ty. Cây trầu bà cẩm thạch có thể trồng trong các chậu treo sân thượng, hay một chậu trầu bà cẩm thạch để bàn đặt ở phòng ngủ hay cửa sổ, sẽ giúp bạn cảm thấy thư giãn hơn mỗi khi mệt mỏi.
Hoặc bạn có thể trồng trầu bà cẩm thạch trong nước để ngắn nhìn toàn diện vẻ kiêu sa của cây, không cần sợ văng đất mỗi khi tưới nước.
4. Cách trồng cây trầu bà cẩm thạch
Là loại cây dễ sống và nhanh phát triển, bạn có thể trồng ngay một chậu trồng bà cẩm thạch bất cứ lúc nào, bất kể mùa nào trong năm. Bạn có thể mua cây trầu bà cẩm thạch tại các cửa hàng hoặc tự tay nhân giống.
Cách nhân giống trầu bà cẩm thạch phổ biến đó là phương pháp giâm cành, hoặc bạn cũng có thể tách bụi.
a. Cách giâm cành cây trầu bà cẩm thạch
Để giâm cành cây trầu bà cẩm thạch, bạn chọn những cành mọc cao, và có nhiều mắt đã ra rễ nhỏ, sau đó bạn chia cành ra thành các đoạn nhỏ, mỗi đoạn có mắt và 1 lá ở giữa.
Sau đó bạn cắt hết lá, chỉ giữ nguyên lại mắt có rễ nhỏ, rồi ửa sạch và ngâm vào phân bón kích rễ như N3M, Roots 2, Bimix Super Root… trong 15 phút. Sau khi ngâm, bạn sắp xếp các mắt lên trên giá thể ở trong bầu. Cuối cùng bạn chùm lại bằng bọc nylong và phun giữ ẩm hàng ngày.
Thông thường thì sau 1 - 2 tuần mắt sẽ bung rễ và nảy chồi. Và sau 1.5 tháng, các mắt này sẽ sinh ra cây con. Lúc này bạn đã có thể tách cây con để trồng vào chậu treo hay trồng chậu để bàn rồi.
b. Cách tách bụi cây trầu bà cẩm thạch
Với phương pháp này, bạn chỉ cần nhổ bụi lên và tách ra mấy nhánh. Sau đó trồng vào chậu trồng đã chuẩn bị sẵn. Tưới ẩm đều đặn, sau khoảng 1 tuần rễ sẽ mọc ra và tạo thành một cây trầu bà cẩm thạch mới.
c. Cách trồng cây trầu bà cẩm thạch vào chậu
Chậu trầu bà cẩm thạch bạn có thể sử dụng chậu treo, chậu để bàn hay các loại chậu nhựa lớn đều được, tùy vào vị trí đặt chậu và kích thước cây mà bạn chọn chậu cho phù hợp.
Về đất trồng, cây trầu bà cẩm thạch thích hợp với đất trồng tơi xốp, thoát nước tốt, thoáng khí, giữ ẩm tốt và giàu dinh dưỡng. Bạn có thể trộn đất trồng cây trầu bà cẩm thạch theo tỷ lệ 3 đất trồng cây : 3 phân trùn quế : 2 giá thể mụn dừa : 2 giá thể trấu hun.
Hoặc bạn có thể sử dụng đất sạch hữu cơ Sfarm chuyên cho hoa kiểng đã được phối trộn đầy đủ chất dinh dưỡng, cây trầu bà cẩm thạch con sẽ đủ dinh dưỡng trong 60 ngày đầu sau trồng mà bạn không cần bổ sung thêm bất kỳ loại phân bón nào.
Sau khi bạn đã chuẩn bị xong đất trồng cây trầu bà cẩm thạch thì tiến hành cho đất vào chậu trồng, trải đều, đất mặt cách miệng chậu 3cm - 5cm. Sau đó nhẹ nhàng đặt cây con vào, ấn nhẹ đất xung quanh rễ cây để cây con đứng vững, kết thúc bằng việc tưới giữ ẩm 1 - 2 lần/ ngày.
Trong giai đoạn đầu mới trồng, bạn có thể định kỳ 7 - 10 ngày/ lần sử dụng các loại phân bón kích rễ để cây con nhanh hồi phục và ra nhiều rễ mới, bạn có thể sử dụng Axit Humic 322 , Org Hum, Seasol, phân bánh dầu dạng nước...
d. Cách trồng trầu bà cẩm thạch thủy sinh
Trồng cây trầu bà cẩm thạch trong nước là phương pháp được nhiều dân văn phòng ưa chuộng, vì dễ vệ sinh, chăm sóc, và có thể phô diễn được hết nét đẹp của cây trầu bà cẩm thạch từ thân, lá và cả bộ rễ nữa.
Để trồng cây trầu bà cẩm thạch trong nước, bạn cần tỉa bỏ rễ hư, rễ già sau đó rửa sạch đất dính ở rễ và ở gốc, rồi đặt cố định trên một bình thủy tinh để cây có thể hút nước dinh dưỡng và phát triển.
Đặt cây ở nơi bóng râm, hoặc ít ánh sáng tự nhiên để cây phát triển tốt hơn. Đồng thời, khi nước trồng bẩn thì phải thay ngay. Định kỳ 1 tuần thay nước cho cây 1 lần. Vừa để tránh mùi khó chịu, vừa tránh cho vi khuẩn và nấm hại phát triển.
Dung dịch thủy canh trồng cây trầu bà cẩm thạch bạn có thể sử dụng một số dung dịch thủy canh như Bio Life, Hydroponic, Super Bio… pha với nước theo liều lượng được hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
5. Cách chăm sóc cây trầu bà cẩm thạch
Trầu bà cẩm thạch là loài cây rất dễ chăm sóc, cây ưa bóng râm và không chịu ánh nắng trực tiếp. Cây sẽ phát triển tốt ở môi trường mát mẻ với nhiệt độ phòng khoảng 18 - 25 độ C. Tuy nhiên hàng tuần bạn cần phơi nắng cho cây khoảng 2 giờ vào lúc sáng sớm.
Cây trầu bà cẩm thạch ưa ẩm, không chịu hạn, nhu cầu nước cao, tưới nước 1 - 2 lần/ ngày. Nhưng tránh tưới quá nhiều nước sẽ gây hiện tượng úng ngập, cây sẽ bị vàng lá và thối rễ. Có thể dùng bình xịt phun đều tán cây, phun nhẹ lên lá và gốc cây.
Ngoài ra, bạn cũng cần lau sạch bụi trên lá khoảng 1 tháng/ lần để cây quang hợp tốt hơn.
Để cây trầu bà cẩm thạch phát triển bộ lá tốt nhất, bạn cần bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân bón dạng nước như Org Hum, Seasol, Powerfeed, Vitamin B1, dịch chuối, phân bánh dầu dạng nước… tưới cho cây định kỳ 7 - 10 ngày/ lần.
Trầu bà cẩm thạch rất ít khi bị sâu bệnh tấn công, tuy nhiên cây có thể bị thối thân nếu thời tiết thất thường, thiếu sáng liên tục hoặc môi trường quá ẩm ướt.
Bên cạnh đó, khi bạn thấy cây trầu bà cẩm thạch bị vàng lá là do dư hoặc thiếu nước, còn lá có đốm vàng nâu thì có thể cây bị úng nước. Nếu số lượng lá vàng ít thì bạn có thể ngắt bỏ đi, nhưng nếu số lượng nhiều thì cần kiểm tra độ ẩm của đất để xác định tình trạng của cây.
Vậy bao lâu thì nên thay chậu hoặc đất cho cây trầu bà cẩm thạch? Đối với cây trầu bà cẩm thạch trồng chậu thì nên thay chậu hoặc thay đất sau 12 - 18 tháng, thay chậu lớn hơn 2cm - 5cm.
⫸ Xem thêm: Cách trồng và chăm sóc cây trầu bà đế vương phong thủy
⫸ Xem thêm: Cây trầu bà thanh xuân, ý nghĩa và cách chăm sóc
⫸ Xem thêm: Cây trầu bà, ưu điểm và nhược điểm khi trồng cây trong nhà
Chỉ với vài bước trồng và chăm sóc cây trầu bà cẩm thạch đơn giản thì bạn đã có ngay một chậu trầu bà cẩm thạch xinh đẹp tại nhà rồi, còn chần chờ gì nữa mà không trồng ngay một chậu trầu bà đi nào!
Nông Nghiệp Phố - chuỗi cửa hàng vật tư nông nghiệp chuyên cung cấp vật tư trồng rau và hoa kiểng tại nhà với hơn 1000+ sản phẩm.
➤ Website: https://nongnghieppho.vn/
➤ Hotline: 0865 399 086