Mẹo chăm sóc, chống úng cho hoa hồng mùa mưa | Nông nghiệp phố
Nông Nghiệp Phố
Th 2 27/09/2021
Nội dung bài viết
Mẹo chăm sóc, chống úng cho hoa hồng mùa mưa
Một mùa mưa nữa lại về, ngoài tưới mát cho muôn loài, mưa còn đem đến một nguồn đạm lớn cho cây trồng. Tuy nhiên, nếu bạn không có biện pháp tưới tiêu hợp lý có thể sẽ dẫn đến cây trồng bị úng nước.
Nhạy cảm hơn cả có thể kể đến hoa hồng, một loài hoa đầy kiêu sa và quyến rũ. Cùng Nông nghiệp phố tìm hiểu ngay mẹo chăm sóc, chống úng cho hoa hồng mùa mưa nhé.
1. Chuẩn bị trước mùa mưa
Thông thường sau mùa mưa, cây sẽ cho nhiều đọt non, thân cành vươn cao, cây lá xanh bóng, mướt mắt. Tuy nhiên, để có được điều này bạn cần phải chuẩn bị tốt một số bước như cắt tỉa cành và lá già, phun thuốc phòng trừ nấm bệnh…
Đầu tiên, bạn tỉa bỏ các cành già, cành tăm, lá úa vàng, lá bệnh để cây thông thoáng và dễ đâm chồi non. Sau đó bạn sử dụng một số loại thuốc ngừa nấm bệnh vào mùa mưa như Aliette, Ridomil Gold, Daconil…
Tiếp theo, kê cao chậu hoặc di chuyển chậu đến nơi tránh mưa gió lớn, hoặc bạn có thể dùng lưới che mưa cho khu vườn, và thường xuyên theo dõi, không để đáy chậu tồn đọng nước.
2. Chọn chậu và đất trồng phù hợp
Chậu hoa hồng hiện nay được làm từ nhiều chất liệu, đa dạng về mẫu mã, kích thước, nhưng khi chọn chậu trồng hoa hồng bạn cần lưu ý kích thước chậu có đủ không gian cho cây phát triển và đáy chậu có nhiều lỗ thoát nước hay không.
Hơn nữa vào mùa mưa nhiều, nếu trồng trong chậu không thoát được nước thì cây sẽ bị úng, bộ rễ thối rữa, cây héo rũ rồi chết. Vì vậy mà bạn cần hết sức lưu ý chọn chậu khi vào mùa mưa.
Tiếp theo đó là đất trồng, đất trồng hoa hồng cần phải là đất tơi xốp, thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng và sạch mầm bệnh để cây luôn khỏe mạnh trong mùa mưa. Bạn có thể trộn giá thể trồng gồm đất trồng cây, mụn dừa, trấu hun và phân trùn quế.
Ngoài việc trộn hỗn hợp đất và dinh dưỡng trên bạn nên trộn thêm một ít nấm đối kháng Trichoderma vào hỗn hợp nhằm ngăn ngừa các loại nấm bệnh trong đất giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
Hoặc bạn nên lựa chọn đất sạch hữu cơ trồng hoa kiểng Sfarm vừa có độ tơi xốp giúp thoát nước tốt không ngập úng, đồng thời cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây và phòng ngừa nấm bệnh hiệu quả.
Đặc biệt, bạn có thể lót 1 lớp viên đất nung, xỉ than đã qua xử lý… ở đáy chậu để thoát nước dễ dàng hơn, tránh ngập úng cây.
3. Phân bón cho hoa hồng vào mùa mưa
Phân bón cho hoa hồng vào mùa mưa cũng rất quan trọng, vì mưa nhiều dễ gây thất thoát phân bón, hoặc dư lượng phân bón kết hợp với nước đóng sẽ là môi trường cho nấm bệnh phát triển.
Khi mưa quá nhiều, bạn nên giảm lượng phân bón định kỳ cho cây xuống một nửa hoặc một phần ba với mỗi lần tưới, sử dụng một số loại phân bón tan chậm, với phân bón gốc bạn nên ngâm tan rồi mới tưới để cây dễ hấp thu hơn.
Và sau khi bón phân xong, bạn nên tưới nhẹ lại bằng nước sạch, tránh phân đọng lại trên cành lá, tránh gây cháy lá, ảnh hưởng đến sức khỏe của cây. Và quan trọng hơn cả, bạn nên theo dõi sức khỏe cây, dự báo thời tiết để có kế hoạch bón phân phù hợp.
Một số loại phân bón hữu cơ tan chậm dùng bón gốc cho cây hoa hồng như trùn quế viên nén, đạm cá, phân hữu cơ Bounce Back, phân gà, phân dê… bạn có thể kết hợp sử dụng đồng thời Seasol, Powerfeed… kết hợp cùng dịch chuối hoặc Vitamin B1. Sử dụng định kỳ 10 - 15 ngày/ lần.
4. Tưới nước hợp lý
Tưới nước cho hoa hồng, bạn nên tưới và lúc sáng sớm và chiều mát, tránh tưới vào buổi trưa nắng vì sẽ dễ làm cây bị sốc nhiệt. Khi tưới, bạn có thể dùng bình tưới vòi sen tưới nhẹ nhàng để tránh làm văng đất hay phân bón ra ngoài.
Vào những ngày mưa nhiều, bạn có thể chỉ cần tưới vào buổi sáng sớm, hoặc bạn chỉ cần tưới khi thấy đất mặt bị khô. Tưới nước đầy đủ sẽ giúp cây luôn đủ độ ẩm, tươi xanh và phát triển bình thường.
5. Một số bệnh hại hoa hồng vào mùa mưa
Đầu tiên có thể kể đến bệnh đốm đen, đây bệnh lây lan nhanh khi thời tiết ẩm ướt nhất là sau các trận mưa, bệnh làm cho lá rụng sớm, có khi lá bị rụng hoàn toàn.
Khi xuất hiện bệnh đốm đen, bạn cần thu gom hết lá rụng dưới đất, lá bệnh mang đi tiêu hủy. Áp dụng kịp thời phun các loại thuốc ngừa và trị bệnh cho cây như Daconil, Aliette, Coc85…
Tiếp theo đó là bệnh phấn trắng, bệnh phân bố trên lá, cành non, nụ hoa, tỷ lệ cây bệnh 50% - 70%, ảnh hưởng đến sự ra hoa của cây. Bệnh xâm nhiễm vào lá non, hai mặt phủ đầy bột trắng, lá mất màu, bệnh nặng có thể làm cho lá xoăn lại, khô héo và rụng lá.
Để phòng ngừa bệnh phấn trắng, bạn cần giữ cho vườn luôn được thông thoáng, tận dụng tối đa được ánh sáng mặt trời. Khi cây bị bệnh hạn chế tối đa bón phân đạm, tăng cường phân có hàm lượng lân và kali cao, và kịp thời phun thuốc khi mới chớm bệnh bằng Daconil, Anvil, Ridomil Gold, Nativo…
Ngoài đốm đen và phấn trắng thì cây còn dễ nhiễm bệnh thối ngọn, thối nụ trong mùa mưa. Đặc biệt, các biểu hiện thiếu vi lượng ở cây sẽ dễ nhận thấy nhất.
Đặc biệt, khi cây hoa hồng bị vàng lá, rụng lá do úng nước, đầu tiên bạn phải mang vào nơi không bị nước mưa, sau đó ngưng bón phân, hoặc sử dụng phun phân bón lá kích rễ liều thấp để tăng cường khả năng hút nước của bộ rễ.
⫸ Xem thêm: Chăm sóc hoa hồng sau mùa dịch
⫸ Xem thêm: Hướng dẫn trồng hoa hồng tại nhà hay các nhà vườn
⫸ Xem thêm: Chăm sóc hoa hồng nở đúng Tết Nguyên Đán
Để được chiêm ngưỡng những cành hồng rạng rỡ ngay cả trong ngày mưa, bạn hãy áp dụng ngay một số mẹo chăm sóc, chống úng cho hoa hồng mùa mưa này nhé.
Nông Nghiệp Phố - chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp vật tư trồng rau và hoa kiểng tại nhà với hơn 1000+ sản phẩm.
➤ Website: https://nongnghieppho.vn/
➤ Hotline: 0865 399 086