Cách trồng hoa cẩm chướng trong chậu chơi tết | Nông nghiệp phố
Nông Nghiệp Phố
Th 6 27/11/2020
Nội dung bài viết
Cách trồng hoa cẩm chướng trong chậu chơi tết
Những cánh hoa cẩm chướng mong manh, lả lướt, cuốn hút mọi ánh nhìn nên được nhiều người yêu thích và làm quà tặng trong các ngày lễ.
Đặc biệt, với ý nghĩa tình yêu và hạnh phúc, hoa cẩm chướng rất được ưa chuộng trong những ngày tết đến xuân về. Cùng Nông nghiệp phố tìm hiểu cách trồng hoa cẩm chướng trong chậu chơi tết nhé.
1. Ý nghĩa hoa cẩm chướng
Hoa cẩm chướng có nhiều ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào màu sắc của hoa. Tuy nhiên, cũng có những ý nghĩa chung cho tất cả loài hoa cẩm chướng là tình yêu, sự đam mê, quyến rũ và niềm tự hào.
Bên cạnh đó, hoa cẩm chướng thuần một màu thì ý nghĩa của nó sẽ là sự đồng ý. Còn hoa cẩm chướng có sọc, vằn lại mang ý nghĩa của lời từ chối nhẹ nhàng.
Ý nghĩa theo màu sắc thì hoa cẩm chướng đỏ tượng trưng cho tình yêu sâu đậm, hoa cẩm chướng trắng dành cho tình yêu trong sáng, thuần khiết, nhưng hoa cẩm chướng vàng lại được dùng để thể hiện sự thất vọng và chối từ tình cảm.
Hoa cẩm chướng hồng thể hiện lòng biết ơn và tình yêu dành cho mẹ. Hoa cẩm chướng tím tượng trưng cho sự thay đổi, khó dự đoán trước.
2. Đặc điểm của hoa cẩm chướng
Hoa cẩm chướng là cây thân thảo, thân có các đốt ngắn, dễ gãy, chiều cao khoảng 20cm - 50cm.
Lá cẩm chướng thon dài, thanh mảnh, dạng phiến, có màu xanh xám nhạt đến xanh lam.
Lá và thân cẩm chướng được phủ lớp phấn trắng mỏng, mịn có tác dụng giảm sự thoát hơi nước và chống sâu hại.
Hoa cẩm chướng mọc đơn hay mọc thành cụm lên đến 5 bông, với đường kính hoa 3cm - 5 cm và hương thơm ngọt ngào.
Hoa cẩm chướng có 2 loại là hoa đơn và hoa kép, những cánh cánh hoa mỏng manh, mềm mại, lượn sóng với nhiều màu sắc như trắng, cam, đỏ, vàng, hồng… hoặc có sọc.
3. Cách trồng hoa cẩm chướng trong chậu
Hoa cẩm chướng có thể trồng bằng cành hoặc bằng hạt, tùy vào phương pháp trồng mà bạn chọn thời điểm trồng thích hợp để hoa cẩm chướng nở hoa ngay tết nhé.
Với phương pháp trồng bằng hạt, thời gian cho hoa sẽ phụ thuộc vào giống. Nếu bạn trồng hoa cẩm chướng bằng cành thì sẽ rút ngắn được thời gian chăm sóc, cây sẽ nhanh cho hoa hơn.
a. Cách trồng hoa cẩm chướng bằng hạt
Hoa cẩm chướng ưa đất thịt nhẹ, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, giữ ẩm tốt. Giá thể trồng hoa cẩm chướng bạn có thể trộn đất sạch, phân trùn quế, mụn dừa và trấu hun theo tỷ lệ 3:3:2:2.
Ngoài ra, để dễ dàng, tiện lợi và nhanh chóng, bạn có thể sử dụng đất sạch hữu cơ Sfarm chuyên dùng cho hoa kiểng chứa đầy đủ dinh dưỡng, vi sinh vật có lợi, bạn có thể sử dụng ngay mà không cần phối trộn.
Hạt hoa cẩm chướng khá nhỏ nên có thể rắc hạt trực tiếp vào chậu. Sau đó phủ lên một lớp đất mỏng và tưới nước giữ ẩm. Sau 10 - 15 ngày, hạt giống hoa cẩm chướng sẽ nẩy mầm.
Tưới nước 1 - 2 lần/ ngày vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Khoảng 25 - 30 ngày sau, khi cây non đã cứng cáp, cây cao khoảng 5cm - 7cm thì tách ra trồng vào chậu.
b. Cách trồng hoa cẩm chướng bằng cành
Trồng hoa cẩm chướng bằng cành bạn sẽ chủ động được lượng cây giống, cây nhanh ra hoa hơn, cây con sẽ mang được những đặc tính nổi trội của cây mẹ.
Đầu tiên bạn cần chuẩn bị giá thể giâm. Giá thể giâm cành hoa cẩm chướng tốt nhất là trấu hun.
Chọn cành giâm từ trên cây mẹ khỏe, không bị sâu bệnh, cành giâm không quá già cũng không quá non, dài 8cm - 10cm, 6 - 8 lá, đường kính thân khoảng 0.4cm - 0.5cm.
Dùng dao sắc, đã được khử trùng cắt ngang cành giâm, rồi ngâm vào thuốc kích thích ra rễ đã được pha loãng trong 30 - 45 phút. Bạn có thể sử dụng một số thuốc kích rễ như N3M, Atonik…
Cắm cành thẳng đứng vào giá thể, sâu khoảng 2cm - 3cm, không để vùi lấp cổ rễ, vì cắm quá sâu cây khó phát triển và dễ bị nấm lở cổ rễ làm chết cây con.
Trong 7 - 10 ngày đầu tưới 3 - 5 lần/ ngày, để luôn đảm bảo độ ẩm giá thể đạt 90%. Sau đó giảm dần lần tưới 2 - 3 lần/ ngày, ẩm độ giá thể đạt 70% - 80%.
Cành giâm sau 25 - 35 ngày có thể đem trồng vào chậu. Chọn những cành có bộ rễ tốt, dài từ 2cm - 3cm, không nên trồng những cành có bộ rễ quá yếu sẽ làm chết cây con, cây con lâu hồi phục.
c. Cách trồng hoa cẩm chướng vào chậu
Bạn trộn giá thể hoa cẩm chướng gồm đất sạch, phân trùn quế, mụn dừa và trấu hun theo tỷ lệ 3:3:2:2. Sau đó cho giá thể vào chậu, một chậu bạn trồng 2 – 3 cây con.
Cho giá thể vào chậu sao cho cách miệng chậu 3cm – 5cm, đặt cây con ngay ngắn vào chậu rồi cho phần giá thể còn lại vào, ấn nhẹ đất xung quanh gốc cây để cây con đứng vững, rồi tưới nước giữ ẩm cho cây.
4. Cách chăm sóc hoa cẩm chướng trồng chậu
a. Ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho hoa cẩm chướng
Hoa cẩm chướng là loài ưa sáng, vì vậy phải đủ ánh sáng cây mới sinh trưởng và phát triển tốt được. Nhiệt độ thích hợp cho hoa cẩm chướng từ 18 độ C – 20 độ C và độ ẩm thích hợp cho cây hoa cẩm chướng là khoảng 60% - 70%.
b. Chế độ nước tưới
Cây mới trồng vào chậu trong 10 ngày đầu cần tưới nước 2 lần/ ngày vào sáng sớm và chiều mát để duy trì độ ẩm cho cây giúp cây bén rễ nhanh.
Cây trồng sau 10 ngày, giảm tưới nước lại, 1 – 2 ngày/ lần. Tưới vào buổi sáng để hạn chế sự phát triển của nấm bệnh.
Sau khi cây đã bén rễ, tưới nhỏ giọt là lựa chọn tốt nhất. Trong những ngày nắng nóng, kết hợp tưới phun lên lá để làm mát cây.
Nước tưới phải đảm bảo sạch, không chứa các hóa chất độc hại và không chứa Clo.
c. Phân bón cho hoa cẩm chướng
Để hoa cẩm chướng phát triển tốt, sau khi trồng 15 ngày thì bạn tiến hành bổ sung dinh dưỡng cho cây. Sử dụng các loại phân hữu cơ như phân trùn quế viên, phân dê… đồng thời kết hợp phun phân NPK 30-10-10, NPK 20-20-15… định kỳ 7 - 10 ngày/ lần.
Ngoài ra, trong giai đoạn cây bắt đầu ra hoa, bạn cần bổ sung thêm hàm lượng lân và kali để hoa nở to, đậm màu và lâu tàn. Một số loại phân có hàm lượng lân và kali cao như NPK 10-30-20, KNO3…
d. Bấm ngọn, tỉa chồi, tỉa nụ
Khi cây con được 4 tuần tuổi, các nhánh bên đã phát triển, cần bấm bỏ ngọn ngọn lần 1, giữ lại 5 - 6 cặp lá để các nhánh bên phát triển đồng đều, ra hoa hàng loạt.
Tưới đẫm trước khi bấm ngọn, sau khi bấm ngọn 2 ngày mới tưới nước trở lại để vết thương khô mặt, hạn chế nhiễm nấm bệnh.
Bấm ngọn lần 2 ở tuần thứ 8 - 9, chỉ để lại 2 cặp lá. Số ngọn còn lại khoảng từ 4 - 5 ngọn trên 1 cây.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên tỉa bỏ chồi nách để cành hoa to khỏe. Tỉa bỏ cẩn thận để tránh tổn thương đến cây. Sau khi tỉa nhánh, phun thuốc phòng trừ nấm bệnh ngay.
Hoa cẩm chướng cần tỉa bỏ những nụ hoa phụ để nụ chính to khỏe, phát triển đồng đều. Tiến hành tỉa khi nụ chính to bằng hạt bắp. Tỉa nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng đến các nụ còn lại.
⫸ Xem thêm: cách trồng và chăm sóc hoa mao lương chơi tết
⫸ Xem thêm: cách trồng hoa cát tường trong chậu chơi tết
⫸ Xem thêm: cách trồng hoa cúc Huân Chương chơi tết
Chỉ với vài kỹ thuật trồng và chăm sóc khá đơn giản thì bạn đã có ngay những chậu hoa cẩm chướng rực rỡ đón tết rồi, chúc bạn thành công nhé.
Nông Nghiệp Phố - chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp vật tư trồng rau và hoa kiểng tại nhà với hơn 1000+ sản phẩm.
➤ Website: https://nongnghieppho.vn/
➤ Hotline: 0865 399 086