Phân bón cho hoa hồng ở từng giai đoạn phát triển | Nông nghiệp phố
Nông Nghiệp Phố
Th 5 03/09/2020
Nội dung bài viết
Phân bón cho hoa hồng ở từng giai đoạn phát triển
Hoa hồng cần khá nhiều phân bón, nếu một hoặc nhiều chất dinh dưỡng cần thiết bị thiếu hụt, hoa hồng sẽ mất đi khả năng chống lại sâu bệnh hại. Vậy ở từng giai đoạn phát triển, hoa hồng cần những loại phân bón nào, cùng Nông nghiệp phố tìm hiểu trong bài viết này nhé.
1. Phân bón cho hoa hồng
a. Phân vô cơ
Thành phần phân vô cơ gồm đa, trung, vi lượng. Trong đó thành phần đa lượng gồm đạm – lân – kali. Công dụng chủ yếu của từng thành phần như sau:
✽ Đạm có tác dụng kích thích mầm, lá cần dùng nhiều cho cây khi giai đoạn cây nhỏ hoặc cây mới cắt tỉa cành.
✽ Phân Lân có tác dụng kích thích rễ tốt nên dùng cho cây giai đoạn mới trồng hoặc sau khi bị sốc phân, nấm bệnh gây tổn thương rễ. Bên cạnh đó, lân cũng có tác dụng kích thích ra hoa nên dùng trong giai đoạn chuẩn bị ra hoa.
✽ Phân Kali giúp tăng sức chống chịu điều kiện bất lợi, kích thích cho cây ra hoa nên được ưu tiên dùng cho giai đoạn cây chuẩn bị đóng nụ hoặc thời gian nhiệt độ quá lạnh hay quá nóng so với khoảng nhiệt sinh trưởng tối ưu của cây.
Tùy theo mục đích muốn bón phân cho hoa hồng, các bạn có thể chọn các loại phân có tỷ lệ NPK khác nhau để dùng đan xen ở các giai đoạn.
b. Phân hữu cơ
Các loại phân bón hữu cơ phổ biến hiện nay như phân trùn quế, phân hữu cơ chiết xuất từ rong biển, phân dê, phân dơi, đạm cá, phân bò, phân gà Nhật, dịch chuối
Hoa hồng thường ưa phân hữu cơ hơn. Vì phân hữu cơ sẽ cung cấp đầy đủ nguồn đa trung và vi lượng cùng các axit amin. Ngoài ra, phân hữu cơ giúp tăng mật độ vi sinh vật có ích trong đất, làm cho đất tơi xốp, dinh dưỡng được giữ, hấp thu và sử dụng triệt để.
Ngoài ra, nếu bạn thường xuyên sử dụng phân bón hóa học, đất sẽ dễ bị chai cứng, khó thoát nước, cây dễ bị ngập úng và khó hấp thu chất dinh dưỡng. Sau một thời gian, đất trồng trở nên bạc màu và khó cải tạo.
⫸ Xem thêm: Top 5 phân hữu cơ tốt nhất cho hoa hồng.
c. Phân vi sinh
Là chế phẩm phân bón sử dụng dùng các loại vi sinh vật hữu ích như nấm Trichoderma, Streptomyces spp., Bacillus subtilis… cấy vào môi trường là chất hữu cơ. Chúng phân giải chất dinh dưỡng khó tiêu thành dễ tiêu cho cây hấp thụ, hút đạm khí trời để bổ sung cho đất và cây. Ngoài ra, còn giúp phòng ngừa các bệnh ở rễ.
2. Phân bón cho hoa hồng ở từng giai đoạn phát triển
a. Giai đoạn chuẩn bị đất trồng
Trước khi trồng cần bón lót cho cây hồng bằng một hay một vài loại phân hữu cơ. Sau một thời gian, lượng phân bón chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng dễ cho cây hấp thu. Lượng phân hữu cơ còn giúp cải tạo hệ vi sinh vật trong đất.
Việc bón lót này rất tốt cho cây. Bởi khi cây đang phát triển, thiếu dinh dưỡng sẽ làm cây bị ngưng phát triển do bị đói. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị dinh dưỡng cho cây ngay từ ban đầu bằng một vài loại phân hữu cơ như phân trùn quế, phân dê, nấm đối kháng Trichoderma…
b. Giai đoạn cây con
Những cây hồng được trồng chậu khoảng 1 tháng, lúc này, rễ đã ra ổn định, lượng phân bón lót ban đầu cây sử dụng cũng gần hết. Người trồng cần bón phân để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây.
Giai đoạn này bạn cần bón phân có liều lượng đạm và lân cao như 16.16.8 hay 20.20.15… Cách bón phân vô cơ tốt nhất là bạn ngâm hòa tan hẳn vào nước rồi tưới quanh gốc theo liều lượng được hướng dẫn trên bao bì.
Ngoài ra, bạn cần bổ sung thêm phân hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho hoa hồng. Một số phân hữu cơ được khuyên dùng như phân trùn quế viên nén, phân bò, đạm cá… Ngoài ra bạn cũng có thể bổ sung chất dinh dưỡng qua lá bằng cách phun Org hum, Sealsol, Acroots…
c. Giai đoạn cây trưởng thành
Đây là giai đoạn cây cần nhiều dinh dưỡng để nuôi cây, phát triển thân, cành, lá, tạo cơ sở để hình thành nụ và hoa sau này. Giai đoạn này bạn cần bón thúc cho cây hồng bằng các loại phân hữu cơ có nhiều dinh dưỡng như phân trùn quế dạng viên nén, phân dê, phân dơi, đạm cá, dịch chuối…
Ngoài ra, để cây phát triển tốt nhất bạn có thể bổ sung chất dinh dưỡng qua bộ lá bằng các phân bón lá có nguồn gốc từ rong biển như Seasol, Powerfeed…
d. Giai đoạn trước khi ra hoa
Giai đoạn này bạn cần bón phân có hàm lượng lân và kali cao và đây chính là yếu tố giúp hoa có màu đẹp hơn và bông cũng lâu tàn hơn, cánh hoa cứng cáp, đúng form chuẩn của hoa.
Giai đoạn này bạn cần kết hợp bón 6-30-30, Powerfeed, dịch chuối, phân dơi, phân trùn quế viên nén… Để tiện lợi, bạn có thể tham khảo công thức của Nông nghiệp phố như sau:
✽ Pha 10g NPK 6-30-30 + 100ml dịch chuối với 10 lít nước sạch phun ướt đều cây mỗi tuần 1 lần, để đánh bật mắt ngủ kích thích cây ra hoa.
✽ Dùng phân dơi nguyên chất ngâm với nước qua đêm rồi mang đi tưới cho cây với liều lượng mỗi gốc 50g phân dơi cứ 12-15 ngày tưới cho cây 1 lần.
✽ Sử dụng phân cá vi sinh powerfeed giúp nuôi dưỡng hoa to đẹp kết hợp với Amino Quenlant 05 chống rụng hoa, giúp hoa lâu tàn với liều dùng 10ml Powerfeed + 10ml Amino Quelant 05 với 10 lít nước phun cho cây 7 - 10 ngày 1 lần.
e. Giai đoạn ra hoa cho đến khi hoa tàn
Giai đoạn này không cần bón phân hoặc có thể bón thêm kali cho hoa lâu tàn và cánh hoa cứng cáp. Bạn cũng có thể bón phân hữu cơ để cải tạo đất cho chu kỳ sinh trưởng của lần đâm chồi kế tiếp.
f. Giai đoạn từ sau cắt hoa tàn, tỉa cành
Sau cắt tỉa 2-3 ngày tiến hành bón phân NPK 16-16-8 hay 20-20-15 hoặc các loại phân hữu cơ như phân trùn quế, phân dê, đạm cá... Việc bón phân có hàm lượng đạm và lân cao mục đích để cây mau chóng nảy chồi.
3. Một số lưu ý khi bón phân
Không nên rải phân hay tưới phân trực tiếp vào gốc. Bạn có thể bón cách gốc 10 – 20cm để tránh làm xót rễ cây.
Không nên bón phân vào lúc nắng nóng hay buổi trưa. Bón phân vào buổi sáng sớm sẽ tốt nhất cho cây.
Với bài viết phân bón cho hoa hồng ở từng giai đoạn phát triển, Nông nghiệp phố hy vọng sẽ giúp bạn dễ dàng hơn hơn trong việc lựa chọn phân bón cho hoa hồng.
Nông Nghiệp Phố - chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp vật tư trồng rau và hoa kiểng tại nhà với hơn 1000+ sản phẩm.
➤ Website: https://nongnghieppho.vn/
➤ Hotline: 0865 399 986