Côn trùng, sâu hại trên hoa hồng | Nông nghiệp phố
Nông Nghiệp Phố
Th 4 12/08/2020
Nội dung bài viết
Côn trùng, sâu hại trên hoa hồng
Để có một đóa hồng lộng lẫy kiêu sa thì người trồng hoa hồng cũng mất nhiều công vun vén và chăm sóc. Ngoài việc cung cấp dinh dưỡng cho cây thì phòng trừ sâu bệnh hại cũng quan trọng không kém.
Qua bài viết, Nông nghiệp phố sẽ giúp bạn nhận biết hình thái, triệu chứng gây bệnh cũng như biện pháp phòng trừ đối với côn trùng, sâu hại chính trên hoa hồng.
1. Nhện đỏ
Nhện đỏ có kích thước khá nhỏ, chiều dài chỉ khoảng 0.2mm nên bạn sẽ khó quan sát bằng mắt thường. Khi bạn nghi ngờ cây hồng đang bị nhện đỏ tấn công, bạn có thể kiểm tra nhanh bằng cách dùng tấm giấy trắng chà sát mặt dưới lá, nếu có những vệt đỏ xuất hiện thì cây chắc chắn đã bị nhện đỏ tấn công.
Nhện thường cư trú ở mặt dưới lá và chích hút dịch trong mô lá tạo thành những vết chích có màu vàng sáng hoặc nâu nằm rải rác, sau đó những vết này liên kết với nhau làm xuất hiện những mảng vàng rộng hơn trên mặt lá. Ngoài ra có thể xuất hiện tơ nhện xung quanh nách lá, trên hoa, xung quanh nhánh.
Để phòng nhện đỏ, bạn cần đảm bảo vườn thông thoáng, tưới nước và sử dụng phân bón đầy đủ cân đối. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng hoạt chất sinh học Neem Chito đề phun phòng ngừa. Khi mật độ nhện quá cao, bạn buộc phải sử biện pháp hóa học như Ortus 5SC, SK EnSpray 99EC, Reasgant 1.8 EC…
2. Bọ trĩ
Bọ trĩ hay còn gọi là bù lạch, có kích thước khá nhỏ, khó quan sát bằng mắt thường, chỉ biết hoa hồng bị bọ trĩ khi thấy những biểu hiện trên lá, nụ và thân hoa hồng. Bọ trĩ trưởng thành có thể bay xa, di chuyển theo hướng gió nên khả năng lây lan và phát tán bệnh là khá cao.
Bọ trĩ chích hút nhựa ở lá non, chồi hoa và nụ hoa. Khi lá non bị chích hút, sẽ bị biến dạng xoăn lại, tại vết chích có những đốm tròn trong như giọt dầu, lúc đầu vàng trắng, sau biến thành nâu đen. Khi bị nặng, chồi non nhú ra lặp tức cháy đen. Nụ hoa bị bọ trĩ tấn công thường khó nở, khi nở sẽ bị biến dị, teo nhỏ.
Đối với bọ trĩ bạn nên phun phòng ngừa bằng các hoạt chất sinh học như dịch tỏi, Neem Chito, GC Mite… Khi cây hồng bị bọ trĩ, bạn nên cách ly, sau đó tiêu hủy các lá bị hại nặng, phun thuốc đặc trị bọ trĩ như Radiant, Confidor, Yamida…
Xem thêm: Top 03 loại thuốc trị bọ trĩ trên hoa hồng hiệu quả nhất
3. Rệp sáp, Rệp vảy, Rệp muội.
Rệp sáp dài 2.5-4mm thuôn dài, có nhiều tua, trên thân phủ lớp sáp trắng, thường tập trung ở lá, chồi non, cuống hoa. Chúng hút nhựa rễ làm cây phát triển kém. Ở lá, ban đầu là đốm trắng nhỏ rồi vàng dần, sau đó hình thành mảng bao phủ mặt lá, làm lá héo, vàng úa và chết dần. Dịch tiết ra từ rệp sáp tạo điều kiện bồ hóng đen phát triển, dễ gây mốc đen lá.
Rệp vảy có lớp vỏ cứng dày 3-5mm, gồ gề, màu xanh hoặc nâu gồ cao lên, chúng thường bám dưới lá hoặc trên thân cây, đặc biệt là các kẽ nhánh, cuống hoa, bẹ hoa. Chúng hút dinh dưỡng khiến cây còi cọc, giảm năng suất ra hoa, giảm khả năng quang hợp, rụng lá cây.
Rệp muội trưởng thành dài 3-4mm, thường có màu xanh nhạt, đôi khi màu đỏ vàng xám. Chúng thường tập trung ở đọt non và nụ, một số ít hại lá. Lá, đọt non và nụ bị hại thường tiết ra mật dễ phát sinh bệnh muội đen.
Để phòng ngừa các loại rệp, bạn nên bón phân cân đối, tưới nước giữ ẩm cho cây, phun chế phẩm sinh học Neem Chito, GC Mite… Khi rệp xuất hiện, có thể áp dụng biện pháp tưới phun mưa với áp lực cao để rửa trôi rệp kết hợp phun thuốc đặc trị rệp như Movento, Confidor…
4. Bọ phấn
Bọ phấn trưởng thành có cánh, màu trắng đục, toàn thân phủ một lớp phấn trắng, kích thước từ 1-3mm, có khả năng bay cao 0.5m và bay xa từ 2-7km, nắng to hoặc mưa thường nấp vào dưới lá gần mặt đất và những nơi rậm rạp.
Bọ phấn thường cộng sinh cùng kiến, kiến sẽ tha trứng của bọ phấn lên cây, đổi lại kiến sẽ hưởng được chất dịch có vị ngọt tiết ra từ trứng bọ phấn. Vì vậy bạn nên chú ý các tổ kiến xung quanh gốc hồng.
Sâu non bọ phấn chích hút nhựa ở những bộ phận non, ăn mặt dưới lá cây làm cây cạn kiệt dinh dưỡng và dễ mắc mệnh, lá vàng và rụng . Bọ phấn trưởng thành gây hại thường để lại một lớp bụi phấn màu trắng, sau khi gây hại chúng thường tiết ra dịch ngọt là môi trường cho nấm muội đen phát triển.
Để phòng ngừa bọ phấn, bạn nên thường xuyên vệ sinh vườn, ngắt bỏ lá già, các bộ phận bị hại và tiêu hủy. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng miếng dán bẫy côn trùng để dẫn dụ và tiêu diệt, hoặc phun dịch tỏi để xua đuổi bọ phấn. Nếu bắt buộc phải dùng thuốc hóa học, bạn có thể sử dụ Confidor, SK EnSpray 99EC, Dantotsu…
5. Sâu xanh
Sâu xanh màu xanh nhạt, có chấm đen to trên ngực, đầu đen, cơ thể bao phủ nhiều lông, hoạt động mạnh, bò khắp nơi. Sâu xanh thường ăn lá non, ngọn non, nụ và hoa. Sâu tuổi 1 ăn phần thịt lá chừa lại biểu bì, từ tuổi 2 trở đi đục vào nụ, ăn rỗng nụ, di chuyển từ nụ này sang nụ khác.
Sâu xanh có khả năng ăn lá non, đọt non và nụ hoa với tốc độ khủng khiếp, nếu không can thiệp kịp thời thì cây có thể trụi lá chỉ sau 2-3 ngày. Khi cây bị mất lá, khả năng quang hợp và sức chịu đựng sẽ giảm rất mạnh, nặng hơn cây có thể bị chết khô.
Để phòng trị sâu xanh, bạn có thể sử dụng một số thuốc trừ sâu sinh học như Randiant, Cóc Tía, Su35, Proclaim 1.9EC, Bọ cạp Hà Nội, Reasgant... Bên cạnh đó, bạn nên giữ vườn thông thoáng, thu gom các bộ phận bị hại (lá, hoa, nụ) đem tiêu hủy.
⫸ Xem thêm: Bệnh đốm đen hoa hồng và cách phòng trị
⫸ Xem thêm: Bệnh phấn trắng trên hoa hồng và cách phòng trị
Trên đây là 5 loại côn trùng, sâu hại trên hoa hồng mà Nông nghiệp phố đã tìm hiểu, hy vọng bài viết này sẽ hữu ích cho bạn.
Nông Nghiệp Phố - chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp vật tư trồng rau và hoa kiểng tại nhà với hơn 1000+ sản phẩm.
➤ Website: https://nongnghieppho.vn/
➤ Hotline: 0865 399 986