Tất tần tật về trồng rau thủy canh – Trồng rau tại nhà không cần dùng đất
0
Th 2 02/04/2018
Nội dung bài viết
Trồng rau thủy canh là một phương pháp mới tiết kiệm đất, hiệu quả và phù hợp với nhà phố. Không những thế phương pháp này còn giúp rau cách ly với nguồn sâu bệnh, nước ô nhiễm, tránh độc tố.
Để khắc phục tình trạng ngộ độc do dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá quy định cho phép, mô hình trồng rau sạch tại nhà ngày càng được nhiều người lựa chọn. Đặc biệt là đối với những hộ gia đình sinh sống ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội… Một trong số đó là phương pháp trồng rau thủy canh. Thủy canh rất tiết kiệm đất mà lại hiệu quả, kỹ thuật này phù hợp với nhà phố, cách ly với nguồn sâu bệnh, nước ô nhiễm, tránh độc tố
Phương pháp trồng rau thủy canh ngày càng được phổ biến tại các đô thị lớn.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích trước khi bắt tay vào trồng rau tại nhà bằng phương pháp này.
1. Về phương pháp trồng rau thủy canh
Phương pháp trồng rau thủy canh tuy mới mẻ nhưng ngày càng được phổ biến tại các đô thị lớn. Nơi mà các hộ gia đình không có quá nhiều diện tích để xây dựng cho mình một khu vườn rộng rãi. Thủy canh giúp tiết kiệm diện tích trồng rau thông qua sự sắp xếp của các kệ trồng.
Có hai loại thủy canh cơ bản: Thủy canh hồi lưu và thủy canh tĩnh.
- Thủy canh hồi lưu là quá trình dung dịch được tự động bơm lên để tưới cho các loại rau trong kệ trồng bằng máy bơm, nước sẽ được luân hồi trong kệ để đảm bảo sự phát triển của thực vật.
- Thủy canh tĩnh: dùng dung dịch thủy canh trong chậu đã được pha sẵn và trồng những cây giống vào đó.
Nhìn chung, phương pháp thủy canh rất đơn giản, dễ trồng và không tốn quá nhiều công sức để chăm sóc.
Thủy canh giúp tiết kiệm diện tích thông qua sự sắp xếp của các kệ trồng.
2. Lắp đặt hệ thống thủy canh
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của nhiều hộ gia đình, các dịch vụ lắp đặt hệ thống thủy canh tại gia cũng phát triển rất tiện lợi. Tuy nhiên, nếu có thời gian, các bạn cũng có thể tự tạo cho mình một hệ thống thủy canh vững chắc và khá đơn giản. Dưới đây là 3 mẫu kệ dành cho bạn tham khảo:
– Kệ thủy canh hình chữ A:
Kệ trồng rau thủy canh chữ A phổ biến hơn cả vì chắc chắn và dễ di chuyển. Đơn cử như mẫu kệ 8 ống, bạn cần khung sắt kích thước 1.55 x 1.45m, 8 ống thủy canh, máy bơm, thùng chứa dung dịch 30-40 lít.
Các bước tiến hành gồm: lắp đặt khung kệ, lắp đai sắt giữ ống rồi lắp đặt ống trồng rau thủy canh là hoàn thành. Bạn có thể làm loại kệ 8, 10 hoặc 12 ống tùy nhu cầu.
Kệ trồng rau thủy canh chữ A phổ biến vì chắc chắn và dễ di chuyển.
– Mô hình kiểu giàn treo:
Mô hình này dành cho hộ gia đình có diện tích “khiêm tốn” nhưng vẫn muốn sở hữu một mảng xanh để trồng rau sạch. Lắp đặt chúng không quá khó, bạn cần một chiếc giàn có độ cao khoảng 2 mét với chiều dài tương tự, những chiếc ống được chuẩn bị lỗ khoan kích thước vừa đủ để đặt rọ nhựa, ống dẫn nước, thùng chứa cỡ lớn và thêm một giàn cáp thật chắc chắn để treo các ống này lên. Thế là đã sẵn sàng rồi!
Mô hình kiểu giàn treo dành cho hộ gia đình có diện tích “khiêm tốn”.
– Hệ thống giàn thủy canh ngang:
Lựa chọn này dành cho những gia đình có diện tích sân thượng tương đối rộng và nhu cầu sử dụng rau nhiều. Các dụng cụ chuẩn bị thường bao gồm khung sắt, ống trồng, máy bơm, thùng chứa, có thể có mái che. Theo đó, các ống sẽ đặt trên các giá đỡ nằm ngang, dung dịch dinh dưỡng thủy canh được bơm lên cung cấp vào từng ống. Chiều dài ống tùy theo hiện trạng lắp đặt, tuy nhiên chỉ cần 8 ống, mỗi ống dài 6m và trồng luân phiên là gia đình bạn có thể có rau xanh ăn liên tục suốt tháng.
Hệ thống giàn thủy canh ngang thích hợp với không gian rộng rãi.
3. Những dụng cụ chuẩn bị để trồng rau
Để tiến hành trồng rau bằng phương pháp thủy canh, sau khi lắp đặt một hệ thống vững chắc như trên, chúng ta cần tiếp tục chuẩn bị các dụng cụ cơ bản sau:
- Những chiếc rọ nhựa dùng để ươm các loại cây con và nâng đỡ cây trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển.
- Dung dịch thủy canh: là dung dịch dinh dưỡng được tìm mua dễ dàng trên thị trường. Bạn cần chọn cơ sở sản xuất uy tín và làm theo hướng dẫn cụ thể khi pha dung dịch.
- Giá thể xơ dừa, cây con hoặc hạt giống rau cần trồng. Ưu điểm khi chọn phương pháp trồng rau thủy canh là bạn có thể trồng được các loại rau ăn lá kể cả khi trái vụ mùa.
- Bút đo nồng độ PH và bút đo hàm lượng TDS (đo hàm lượng chất rắn hòa tan trong nước).
4. Ươm cây con và chăm sóc
– Ươm cây con:
- Đầu tiên bạn cần ngâm hạt giống trước khi gieo để đảm bảo hiệu quả tối ưu, có thể là tầm 1-2 tiếng đồng hồ trong nước ấm. Cho giá thể vào rọ nhựa, tưới nước đủ ẩm rồi bắt đầu gieo hạt
- Mỗi ngày tưới 1-2 lần, liên tục tưới ẩm vừa đủ cho đến khi cây bắt đầu nảy mầm và phát triển. Khi cây con ra được 2-3 lá thì có thể đưa lên hệ thống thủy canh.
– Quá trình chăm sóc:
- Bơm nước vào bể chứa trước khi đưa cây con lên hệ thống thủy canh tuần hoàn. Dùng máy bơm 2 chiều đẩy dung dịch dinh dưỡng lên bể cấp. Dung dịch từ bể cấp sẽ chảy qua hệ thống ống dẫn và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Khi dung dịch trong bể cấp cạn bạn lại bơm 2 chiều đẩy dung dịch từ bể chứa lên bể cấp.
Thủy canh rất tiết kiệm đất mà lại hiệu quả, giúp rau được cung cấp đủ dinh dưỡng,
cách ly với nguồn sâu bệnh, nước ô nhiễm, tránh độc tố.
- Sau khi đưa cây lên hệ thống thuỷ canh khoảng tầm 5 ngày thì chúng ta tiến hành tỉa cây. Mục đích của việc làm này là tỉa bỏ những cây xấu, loại đi những cây còi cọc. Trong quá trình chăm sóc bạn cũng cần thường xuyên nhổ cỏ và theo dõi sâu bệnh để phòng trừ kịp thời.
- Mỗi đợt gieo trồng cây mới bạn cần bổ sung dinh dưỡng định kỳ 3 lần, cụ thể: lúc cây được 10 ngày, 15 ngày và 20 ngày tính từ khi đưa cây vào dung dịch.
Lưu ý, trước khi thu hoạch 10 ngày thì tuyệt đối không bổ sung dinh dưỡng. Mỗi loại cây rau cần dinh dưỡng theo nhu cầu nên bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin của từng loại mình trồng để thuận tiện khi bổ sung dưỡng chất.
Chúc các bạn thành công!