DANH MỤC SẢN PHẨM

Sâu bệnh hại trên rau mùa mưa: Cách nhận biết và phòng ngừa hiệu quả

Nông Nghiệp Phố
Th 3 13/05/2025
Nội dung bài viết

Sâu bệnh hại trên rau mùa mưa thường bùng phát do độ ẩm cao, gây thối nhũn, chết cây, sâu tơ... Cùng Nông Nghiệp Phố nhận biết sớm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, an toàn cho vườn rau nhà bạn.

Vì sao mùa mưa là thời điểm “vàng” cho sâu bệnh phát triển?

Mùa mưa, dù mang lại lượng nước tự nhiên dồi dào, lại vô tình trở thành môi trường lý tưởng để sâu bệnh hại trên rau mùa mưa bùng phát. Dưới đây là những nguyên nhân chính khiến thời điểm này trở nên “vàng” cho dịch hại sinh sôi:

Độ ẩm cao, mưa kéo dài làm giảm sức đề kháng của cây

Rau màu, nhất là các loại rau ăn lá, dễ bị úng nước, rễ yếu, từ đó tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập. Khi cây suy yếu, khả năng kháng sâu bệnh tự nhiên cũng suy giảm.

Môi trường thuận lợi cho nấm và vi khuẩn gây bệnh

Nhiệt độ ẩm thấp là điều kiện lý tưởng để các loài nấm như Fusarium, Pythium và vi khuẩn Erwinia hoạt động mạnh, gây ra các bệnh như thối nhũn, chết cây con, lở cổ rễ...

Thời tiết bất lợi khiến khó kiểm soát sâu hại

Những cơn mưa liên tục cản trở việc phun xịt hoặc chăm sóc thường xuyên, khiến sâu tơ, bọ nhảy và các loài sâu khác dễ dàng sinh sôi mà khó bị phát hiện sớm.

Các bệnh phổ biến trên rau vào mùa mưa và cách xử lý

Bệnh chết cây con

Dấu hiệu nhận biết bệnh chết cây con

Đoạn thân ngang mặt đất bị thối khô có màu nâu sẫm đến đen làm cây con bị gục ngã, lá cây thì héo rũ. Bệnh này độ lây lan cực cao rất dễ dẫn đến chết cây hàng loạt. Bệnh thường tấn công mạnh vào 5-10 ngày sau khi gieo.

Tác nhân gây bệnh chết cây con
Nấm Pythium khiến cho lá bị nhăn nheo và teo lại, rễ con và rễ cọc bị thối. Những loại nấm này phát sinh nhanh trong điều kiện môi trường có ẩm độ không khí cao và nhiệt độ 12-35 độ C. Vì thế, vào mùa mưa thì đúng là điều kiện lí tưởng cho chúng sinh sôi, nảy nở để phá hại vườn rau nhà mình.

Cách phòng ngừa và xử lý bệnh chết cây con

Bước 1: Chuẩn bị đất sạch, thoát nước tốt

  • Dùng đất sạch hữu cơ trộn sẵn hoặc tự phối trộn đất tơi xốp, dễ thoát nước.

  • Nếu trồng lại đất cũ, nên:

    • Phơi đất ngoài nắng 5–7 ngày để diệt mầm bệnh.

    • Trộn vôi bột (1 nắm/1 chậu trồng) để khử khuẩn, trung hòa pH.

    • Bổ sung chế phẩm Trichoderma để diệt nấm hại, tạo hệ vi sinh vật có lợi.

Bước 2: Gieo hạt đúng cách, tránh gieo quá dày

  • Ngâm – ủ hạt giống trước để cây nảy mầm đồng đều, khỏe mạnh.

  • Gieo vừa phải, không quá dày để cây con có không gian phát triển và thông thoáng.

  • Che chắn nhẹ (dùng rơm khô hoặc tấm lưới) giúp giữ ẩm và tránh mưa tạt.

Bước 3: Tưới nước hợp lý, không để đất quá ẩm

  • Dùng bình phun sương tưới nhẹ 1–2 lần/ngày, giữ ẩm đều cho đất.

  • Không tưới nước vào chiều muộn – dễ gây ẩm lạnh, nấm phát triển.

  • Sau mưa: nên kiểm tra thoát nước của chậu/thùng, tránh đọng nước gây úng.

Bước 4: Phòng ngừa bằng chế phẩm sinh học

  • Trộn Trichoderma vào đất hoặc hòa nước tưới gốc định kỳ 10–15 ngày/lần.

  • Có thể dùng EMUNIV tưới đất để cải tạo môi trường, giảm nấm bệnh.

  • Ưu tiên sản phẩm sinh học, an toàn cho rau ăn lá và sức khỏe gia đình.

Bước 5: Khi thấy cây héo, gục – xử lý ngay

  • Nhổ bỏ cây bệnh để tránh lây lan sang cây khỏe.

  • Tạm ngưng tưới nước tại chỗ bị bệnh 1–2 ngày.

  • Tưới quanh gốc bằng dung dịch thuốc sinh học hoặc thuốc trị nấm như Ridomil Gold, Kasumin (pha loãng, dùng đúng liều lượng).

  • Sau xử lý, bổ sung thêm phân hữu cơ vi sinh (như phân trùn quế) giúp cây phục hồi.

Sâu bệnh hại trên rau mùa mưa gây ra bệnh chết cây con

Bệnh lở cổ rễ

Tác nhân gây bệnh lở cổ rễ

Bệnh lở cổ rễ chủ yếu do nấm Rhizoctonia solani gây ra, đây là một trong những tác nhân nguy hiểm tấn công cây trồng trong suốt các giai đoạn sinh trưởng. Loại nấm này thường tấn công mạnh khi cây được trồng lại trên đất cũ có mầm bệnh tồn lưu và điều kiện ẩm độ cao. Bệnh có thể làm suy yếu cây trồng nhanh chóng và gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt trong mùa mưa.

Nguyên nhân, biểu hiện bệnh lở cổ rễ

Bệnh lở cổ rễ chủ yếu xuất hiện khi đất quá ẩm hoặc bị ngập nước lâu ngày, đặc biệt tại các khu đất cũ đã từng phát bệnh. Nấm gây bệnh phát triển mạnh trong môi trường có độ ẩm cao, nhiệt độ từ 25–30°C, thường bùng phát mạnh vào mùa mưa hoặc những ngày có nhiều sương. Bệnh có thể tấn công cây ở mọi giai đoạn sinh trưởng, nhưng cây con là đối tượng dễ bị hại nặng nhất.

Ban đầu, vết bệnh xuất hiện ở cổ rễ gần mặt đất, vỏ cây bị rộp, đổi màu, rồi lan dần bao quanh gốc. Sau đó vỏ khô, thối nhũn khi gặp ẩm, bong ra để lộ lõi gỗ đen thâm. Cây héo dần và chết rải rác từng đám. Khi bệnh mới phát, lá vẫn xanh vài ngày trước khi cây gục hoàn toàn. Vào sáng sớm hoặc khi có sương mù, có thể thấy tơ nấm trắng tại vết bệnh, sau vài ngày sẽ xuất hiện các hạch nấm màu vàng nâu trên thân và đất quanh gốc.

Cách xử lý bệnh lở cổ rễ

Bước 1: Chuẩn bị đất sạch, thoát nước tốt

Dùng đất sạch hữu cơ trộn sẵn hoặc tự phối trộn đất tơi xốp như đất thịt + mụn dừa đã xử lý + trấu hun + phân trùn quế.
Nếu trồng lại đất cũ, nên:

  • Phơi đất ngoài nắng 5–7 ngày để tiêu diệt mầm bệnh còn tồn dư.

  • Trộn vôi bột (1–2 nắm/chậu) để trung hòa pH và khử khuẩn cho đất.

  • Bổ sung chế phẩm Trichoderma trộn với đất để kiểm soát nấm gây lở cổ rễ (chủ yếu là Rhizoctonia, Pythium, Fusarium…).

Bước 2: Gieo hạt đúng cách, tránh ẩm gốc kéo dài

Ngâm – ủ hạt giống trước giúp cây con khỏe mạnh, đề kháng tốt hơn với nấm hại.

  • Gieo thưa để cây không bị che lấp, gốc thoáng khí.

  • Sử dụng khay/chậu có lỗ thoát nước tốt, lót thêm một lớp đáy bằng xơ dừa hoặc sỏi nhỏ để tránh đọng nước.

  • Che chắn nhẹ bằng lưới, rơm khô trong giai đoạn cây mới mọc để bảo vệ cây mà không làm bí gốc.

Bước 3: Tưới nước hợp lý, giữ ẩm vừa đủ

Bệnh lở cổ rễ rất dễ phát sinh khi đất ẩm kéo dài hoặc tưới quá tay.

  • Chỉ nên tưới nhẹ vào buổi sáng bằng bình phun sương – không tưới trực tiếp vào gốc cây con.

  • Tránh tưới vào buổi tối hoặc khi độ ẩm không khí cao.

  • Sau mưa, cần kiểm tra kỹ khay/chậu để đảm bảo nước thoát hết, không bị ứ dưới đáy.

Bước 4: Phòng ngừa bằng chế phẩm sinh học định kỳ

  • Trộn chế phẩm Trichoderma dạng bột hoặc hạt vào đất trồng ngay từ đầu – giúp kiểm soát nấm gây thối cổ rễ.

  • Duy trì tưới Trichoderma hoặc EMUNIV định kỳ 10–15 ngày/lần để ức chế mầm bệnh, tăng đề kháng cho rễ cây.

  • Ưu tiên sản phẩm sinh học, đặc biệt khi trồng rau ăn lá thường xuyên trong gia đình.

Bước 5: Khi cây có dấu hiệu lở cổ rễ – xử lý ngay

Dấu hiệu: gốc cây con thối nhũn, chuyển màu nâu/đen ở cổ rễ, cây gục ngang và héo nhanh.

  • Nhổ bỏ ngay cây bị bệnh và dọn sạch đất quanh gốc, tránh để bệnh lây sang cây khỏe.

  • Tạm ngưng tưới nước ở khu vực có bệnh trong 1–2 ngày để đất khô bề mặt.

  • Tưới hoặc phun quanh gốc bằng một trong các loại thuốc sau:

    • Ridomil Gold 68WG: 10–15g/8 lít nước.

    • Validamycin (Vali 5SL): 20–25ml/8 lít nước.

    • Kasumin 2L: 20–30ml/8 lít nước (đặc biệt hiệu quả với nấm Pythium).

  • Sau khi xử lý, bổ sung phân trùn quế hoặc dịch chuối lên men để giúp cây phục hồi rễ và tăng đề kháng tự nhiên.

Sâu bệnh hại trên rau mùa mưa gây ra bệnh lở cổ rễ

Bệnh thối nhũn (do vi khuẩn và nấm)

Tác nhân gây bệnh bệnh thối nhũn 

Bệnh thối nhũn trên rau có thể do một số loại nấm như Pythium sp., Rhizoctonia solani, Sclerotium sp., Fusarium sp. hoặc do vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra. Điều kiện môi trường ẩm ướt, với nhiệt độ từ 12°C đến 35°C, là yếu tố lý tưởng để các tác nhân này phát triển mạnh mẽ. Các mầm bệnh có thể tiềm ẩn trong đất hoặc giá thể không được xử lý sạch sẽ, cộng với việc thoát nước kém khiến bệnh dễ dàng bùng phát và lây lan nhanh chóng.

Dấu hiệu nhận biết bệnh thối nhũn 

Bệnh này rất dễ gặp ở rau ăn lá vào mùa mưa. Biểu hiện ban đầu là những giọt dầu nhỏ trên lá cây sau đó biến thành màu nâu nhạt lan rộng nhanh chóng, vết bệnh thối nhũn và có mùi hôi khó chịu

Biểu hiện của bệnh này là lá bên ngoài bị héo vào ban ngày, ban đêm phục hồi. Nếu nặng thì héo hoàn toàn không phục hồi. Bệnh thối nhũn không gây hại hoàn toàn trên lá mà chỉ gây hại từng chỗ trên lá.

 Bệnh thường xuất hiện khi cây bị tổn thương cơ học (do sâu hại, côn trùng) hoặc do tưới nước quá đẫm, khiến cây không thể thoát nước, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển mạnh.

Cách xử lý bệnh thối nhũn 

Bước 1: Phát hiện sớm dấu hiệu bệnh

Bệnh thường xuất hiện ở phần gốc thân hoặc lá – rau có dấu hiệu:

  • Lá, thân, cuống bị ướt, nhũn, mềm, có mùi hôi.

  • Vết bệnh lan nhanh, vùng bị thối thường chuyển màu nâu xám hoặc đen.

  • Khi sờ vào thấy nhão, chảy nước, cây nhanh chóng rụng lá, gãy thân, hư toàn bộ.

Phát hiện càng sớm thì khả năng cứu cây càng cao, tránh lây lan diện rộng.

Bước 2: Loại bỏ cây và phần đất bị nhiễm bệnh

  • Nhổ bỏ ngay cây bị bệnh, không để thối lây sang cây khác.

  • Dùng kéo/dao cắt tỉa phần lá/thân hư hỏng nếu cây chưa bị nặng.

  • Dọn sạch phần đất/quanh gốc bị nhiễm – có thể bốc bỏ 1 lớp đất mặt ở khu vực đó.

  • Tuyệt đối không dùng xác cây bệnh để ủ phân hoặc trồng lại.

Bước 3: Tạm ngưng tưới nước, làm khô đất

  • Ngưng tưới 1–2 ngày tại vùng có cây bệnh để đất khô thoáng bề mặt.

  • Nếu mưa nhiều, nên che chắn khay/chậu, không để cây tiếp xúc với nước mưa trực tiếp.

  • Sau khi đất khô, chỉ tưới nhẹ vùng gốc bằng bình xịt – tránh tưới lá.

Bước 4: Xử lý bằng thuốc đặc trị vi khuẩn

Vì bệnh thối nhũn do vi khuẩn (thường là Erwinia, Pectobacterium), cần dùng thuốc diệt khuẩn chuyên dụng:

  • Các loại thuốc có thể dùng:

    • Kasumin 2L: 20–30ml/8 lít nước – phun hoặc tưới quanh gốc.

    • Starner 20WP: 8–10g/8 lít nước – phun toàn cây, lặp lại sau 5–7 ngày.

    • Booc 85WP hoặc Xantocin: đặc trị vi khuẩn thối nhũn ở rau.

Nếu trồng rau ăn hàng ngày, ưu tiên sản phẩm vi sinh hoặc hữu cơ có ghi rõ "an toàn cho rau ăn lá" và tuân thủ thời gian cách ly.

Bước 5: Cải tạo đất và phòng ngừa tái phát

  • Trộn lại đất với Trichoderma + phân trùn quế để tái tạo vi sinh vật có lợi, giúp đất tơi xốp – hạn chế nấm/vi khuẩn hại phát triển.

  • Có thể bổ sung thêm EMUNIV hoặc EM gốc để ức chế vi khuẩn gây bệnh trong đất.

  • Nếu dịch bệnh lan rộng, nên phơi đất 7–10 ngày, rắc vôi rồi trồng lại sau.

  • Hạn chế tưới đẫm, chỉ tưới khi mặt đất bắt đầu khô. Ưu tiên tưới sáng sớm.

**Lưu ý: Không nên bón phân đạm (ure, N cao) khi cây đang bị bệnh – sẽ làm mô cây mềm hơn, bệnh lan nhanh hơn. Nên chờ cây phục hồi rồi bổ sung dinh dưỡng sau.

Sâu bệnh hại trên rau mùa mưa gây ra bệnh thối nhũn trên rau 

Các loại sâu hại phổ biến trên rau mùa mưa

Mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho nhiều loại sâu hại phát triển nhanh chóng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho vườn rau. Dưới đây là những loài sâu hại thường gặp và cách phòng ngừa hiệu quả:

Sâu tơ

Sâu tơ là một trong những loài sâu hại phổ biến trên rau vào mùa mưa. Chúng có vòng đời ngắn, chỉ trong vòng từ 10-15 ngày, nhưng có thể gây hại nghiêm trọng nếu không xử lý kịp thời. Sâu tơ sẽ tấn công lá rau, gây ra các vết ăn nhỏ, sau đó lan rộng, làm giảm khả năng quang hợp của cây. Chúng có thể lây lan nhanh trong điều kiện ẩm ướt.

Bước 1: Kiểm tra sớm và bắt sâu tơ thủ công

  • Quan sát vườn rau hằng ngày, đặc biệt vào sáng sớm.

  • Khi phát hiện sâu tơ mới xuất hiện với mật độ thấp, tiến hành bắt sâu bằng tay để giảm nhanh mật độ gây hại.

  • Nên thu bắt vào sáng sớm vì lúc này sâu còn ít di chuyển và dễ quan sát.

Bước 2: Vệ sinh sau thu hoạch

  • Sau mỗi đợt thu hoạch, thu gom sạch tàn dư cây trồng như thân, lá, gốc cây...

  • Đưa toàn bộ tàn dư ra khỏi khu vực trồng để tiêu hủy, tránh tạo nơi cư trú cho sâu phát triển trong vụ sau.

Bước 3: Trồng xen cây xua đuổi sâu tơ

  • Trong quá trình trồng rau, kết hợp trồng xen các loại cây như hành, tỏi, cà chua xung quanh hoặc giữa các luống rau.

  • Những cây này có mùi đặc trưng giúp xua đuổi sâu tơ, giảm khả năng sâu bướm đẻ trứng trên rau.

Bước 4: Sử dụng chế phẩm sinh học an toàn

Khi sâu bắt đầu phát triển mạnh hơn, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trị như:

  • Bacillus thuringiensis (Bt): Vi khuẩn sinh học gây chết sâu non khi ăn phải.

  • Neem Nim: Chiết xuất từ cây neem có tác dụng ức chế sự phát triển và sinh sản của sâu.

  • Nano Gold thảo dược: Dạng vi hạt kết hợp thảo dược giúp tiêu diệt sâu mà không gây tồn dư độc hại.

Phun chế phẩm vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, ưu tiên lúc sâu đang ở giai đoạn non để đạt hiệu quả cao nhất.

Bọ nhảy

Bọ nhảy là loài sâu hại gây tổn thương nghiêm trọng cho rau ăn lá vào mùa mưa. Chúng sẽ nhảy lên và cắn xé các lá rau, gây ra những lỗ thủng nhỏ trên bề mặt lá. Vết thương do bọ nhảy có thể làm cây yếu đi, dễ bị nấm bệnh tấn công. Đặc biệt, khi mưa nhiều, bọ nhảy sẽ gia tăng nhanh chóng, làm hại các loại rau như cải, rau muống, rau ngót…

Bước 1: Xử lý đất trước khi trồng

  • Tiến hành làm đất kỹ, loại bỏ cỏ dại và tàn dư cây trồng vụ trước.

  • Phơi ải đất từ 10–15 ngày, kết hợp rải vôi bột để diệt trứng và sâu non còn trong đất.

  • Bổ sung chế phẩm vi sinh Trichoderma vào đất trước khi gieo trồng, giúp:

  • Ức chế nấm và vi sinh vật có hại, làm sạch đất.

  • Cải thiện hệ vi sinh vật đất, giúp cây khỏe, tăng sức đề kháng với bọ nhảy và các sâu bệnh khác.

Bước 2: Luân canh cây trồng

  • Không nên trồng liên tục các cây họ thập tự (cải xanh, cải ngọt, cải bẹ, cải thìa...), vì đây là ký chủ ưa thích của bọ nhảy.

  • Luân canh với cây khác họ như ngò, hành, cà chua, dưa leo, bầu, bí, mướp… để làm gián đoạn vòng đời của bọ nhảy, hạn chế sự phát triển của chúng.

Bước 3: Dụ bọ nhảy – tiêu diệt tập trung

  • Khi đến thời điểm thu hoạch, nên chừa lại một diện tích nhỏ rau (góc ruộng hoặc một vài luống) để dụ bọ nhảy tập trung vào đó.

  • Sau đó, tiến hành phun thuốc tiêu diệt tại khu vực này để giảm thiểu số lượng bọ trên diện rộng, giúp kiểm soát hiệu quả mà không cần phun toàn bộ vườn.

Bước 4: Sử dụng thuốc hóa học đúng cách (nếu cần thiết)

Trong trường hợp mật độ bọ nhảy cao và lan rộng, có thể sử dụng thuốc hóa học như:

  • Configent: Dùng để xử lý đất trước khi gieo trồng.

  • Sairifos, Basa, Map Green...: Phun trực tiếp lên cây vào sáng sớm hoặc chiều mát để diệt bọ hiệu quả.

**Lưu ý: Tuân thủ đúng liều lượng, kỹ thuật phun và thời gian cách ly an toàn trước khi thu hoạch rau.
 

Các loại sâu bệnh hại trên rau mùa mưa gây - Sâu tơ, bọ nhảy

Biện pháp tổng hợp phòng trừ sâu bệnh rau mùa mưa (IPM)

Trong điều kiện mùa mưa độ ẩm cao, sâu bệnh có thể bùng phát mạnh nếu không kiểm soát kịp thời. Áp dụng IPM (Integrated Pest Management) – quản lý dịch hại tổng hợp là giải pháp bền vững giúp bà con kiểm soát sâu bệnh hại rau mùa mưa một cách hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Cải tạo đất và đảm bảo thoát nước tốt

Đất trồng cần được làm tơi xốp, thoát nước tốt, đặc biệt ở các vùng trũng thấp. Mùa mưa kéo dài dễ gây úng và làm mầm bệnh lan nhanh trong đất. Bà con nên đánh luống cao, phủ rơm hoặc nilon để giữ đất khô ráo, giảm nguy cơ nấm và vi khuẩn phát triển.

Luân canh cây trồng

Trồng liên tục một loại rau dễ khiến dịch bệnh tích tụ. Thay vào đó, bà con nên luân canh với các cây khác họ như họ hành, tỏi, hoặc cây chịu bệnh tốt để cắt vòng đời sâu bệnh và cải thiện cấu trúc đất.

Giữ vệ sinh vườn, dọn sạch cỏ dại

Cỏ dại là nơi trú ẩn lý tưởng của sâu hại. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ vườn rau, tiêu hủy lá, cây bệnh, cỏ dại… sẽ giúp hạn chế mầm bệnh phát tán và giảm nơi cư trú của sâu hại.

Bón phân cân đối, tránh lạm dụng phân đạm

Phân đạm thúc cây phát triển nhanh nhưng nếu lạm dụng sẽ làm mô cây non mềm, tạo điều kiện cho sâu bệnh tấn công. Nên kết hợp bón phân hữu cơ như phân bò, phân trùn quế, phân gà để tăng độ mùn và cân bằng dinh dưỡng cho đất.

Tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh Trichoderma

Trichoderma là một loại nấm đối kháng có khả năng tiêu diệt nhiều loại nấm gây bệnh phổ biến như Fusarium, Rhizoctonia, Pythium... Bổ sung chế phẩm Trichoderma vào đất hoặc giá thể sẽ tạo ra hệ vi sinh vật có lợi, giúp cây khỏe mạnh từ rễ.

  • Cơ chế hoạt động: Trichoderma cạnh tranh dinh dưỡng, ký sinh lên nấm bệnh và tiết ra enzyme làm tiêu diệt chúng.

  • Cách sử dụng hiệu quả: Trộn Trichoderma vào phân hữu cơ hoặc tưới trực tiếp vào vùng rễ cây, nên lặp lại định kỳ 7–10 ngày/lần trong mùa mưa để duy trì mật độ nấm có ích.

Câu hỏi thường gặp về sâu bệnh hại trên rau mùa mưa

Có nên phun thuốc trong mùa mưa không?

Có, nhưng chọn lúc trời khô ráo và ưu tiên thuốc sinh học, tránh rửa trôi.

Phòng bệnh bằng Trichoderma có thay thế thuốc hóa học không?

Có thể thay thế một phần nếu dùng đúng cách và phòng ngừa từ đầu vụ.

Cách xử lý rau bị thối nhũn sau mưa liên tục?

Nhổ bỏ cây bệnh, vệ sinh đất, xử lý bằng thuốc trừ nấm/vi khuẩn kết hợp Trichoderma.

Làm sao để tránh sâu tơ mà không dùng thuốc?

Dùng lưới chắn, trồng xen tía tô, húng quế, bẫy pheromone hoặc chế phẩm sinh học.

Có cần luân canh rau trong mùa mưa không?

Có, để hạn chế tích tụ mầm bệnh và giúp đất hồi phục tốt hơn.

Sâu bệnh hại trên rau mùa mưa thường diễn biến phức tạp do độ ẩm cao, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm phát triển mạnh. Việc nhận biết sớm dấu hiệu, hiểu rõ tác nhân gây hại và áp dụng các biện pháp phòng ngừa như dùng Trichoderma, cải tạo đất, vệ sinh vườn… sẽ giúp rau phát triển khỏe mạnh.

Đừng quên ghé Nông Nghiệp Phố để chọn mua  đất trồng, hạt giống, phân bón hay các dụng cụ làm vườn uy tín – giúp bạn trồng rau, hoa, cây cảnh tại nhà dễ dàng và hiệu quả hơn nhé!

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Nội dung bài viết