DANH MỤC SẢN PHẨM

Mẹo chống úng cho rau mùa mưa: Những điều bạn cần biết

Huyền Trân
Th 3 20/05/2025
Nội dung bài viết

Mùa mưa kéo dài khiến rau dễ bị ngập úng, thối rễ, vàng lá và chậm phát triển. Để tránh mất mùa, bà con cần có biện pháp chống úng cho rau mùa mưa hiệu quả. Nông Nghiệp Phố sẽ hướng dẫn bà con chi tiết các cách chống úng, chăm sóc và phục hồi rau sau khi mưa lớn để bà con luôn có vườn rau xanh tốt quanh năm.

Vì sao cần chống úng cho rau vào mùa mưa?

Mùa mưa là thời điểm dễ xảy ra ngập úng trong vườn rau. Khi đất không thoát nước kịp, rễ cây bị ngạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình trao đổi khí và hấp thu dinh dưỡng, khiến rau sinh trưởng chậm, còi cọc. 

Tình trạng úng nước kéo dài còn là điều kiện thuận lợi cho nấm và vi khuẩn gây bệnh phát triển. Các bệnh thường gặp như thối rễ, vàng lá, đốm lá sẽ lan nhanh nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

Ngoài ảnh hưởng đến cây trồng, ngập úng cũng làm tăng chi phí sản xuất. Người trồng phải cải tạo đất, mua hạt giống mới và chăm sóc lại từ đầu, gây lãng phí công sức và thời gian. 

Vì vậy, chủ động chống úng cho rau mùa mưa không chỉ giúp cây phát triển tốt mà còn tiết kiệm chi phí và bảo vệ hiệu quả mùa vụ.

Cách nhận biết cây trồng bị ngập úng

Cây trồng bị ngập úng thường xuất hiện các dấu hiệu bất thường trên lá, thân và rễ. Lá chuyển vàng, mềm nhũn, xuất hiện vết thối giữa các gân hoặc đốm nâu bất thường. Một số vùng lá sẫm màu, dễ nhầm với biểu hiện thiếu nước.

Phần rễ là nơi cho thấy rõ nhất tình trạng ngập úng. Rễ chuyển sang màu đen hoặc xanh đen, có mùi hôi chua đặc trưng. Vỏ rễ dễ bong tróc, rễ bị thối một phần hoặc toàn bộ.

Cây thân thảo có thể chậm nảy mầm, chồi non mọc lên rồi héo rụng. Cây còi cọc, không lớn được, đôi khi xuất hiện hiện tượng phù rễ. Những dấu hiệu này cho thấy rễ đã mất khả năng hấp thu dinh dưỡng do thiếu oxy kéo dài.

Ngập úng khiến cây bị “nghẹt thở”, không lấy được nước dù đất đang dư nước. Việc nhận biết sớm sẽ giúp người trồng có hướng xử lý kịp thời và giảm thiểu thiệt hại cho vườn rau.

Cách nhận biết cây trồng bị ngập úng

Biện pháp cơ bản chống úng cho rau mùa mưa

Lựa chọn khay (chậu) thích hợp cho mùa mưa

Hiện nay, khay (chậu) trồng rau có cấu tạo 2 tầng được sử dụng khá phổ biến. Khay (chậu) này có lưới nhựa ngăn cách ở giữa, giúp cho việc thoát nước hoặc dự trữ nước tốt hơn, hạn chế xói mòn đất, tiết kiệm công chăm sóc.

Chọn và xử lý hạt giống

Nên chọn các giống rau có tỉ lệ nảy mầm cao, có nguồn gốc rõ ràng từ những cơ sở cung cấp giống có uy tín. Trong mùa mưa, do mưa nhiều, thiếu ánh sáng, khả năng quang hợp kém hơn mùa nắng, do đó nên chọn trồng các loại rau lá có thời gian sinh trưởng ngắn, sớm cho thu hoạch.

Thông thường các loại hạt giống có kích thước hạt nhỏ (nhỏ khoảng bằng hạt mè trở xuống), vỏ hạt mỏng như: các giống rau họ cải, xà lách, rau dền… bạn chỉ cần gieo trực tiếp lên bề mặt đất sạch rồi tưới phun sương mõi này 2 lần vào buổi sáng và chiều mát để giữ ẩm khoảng 2 đến 3 ngày là hạt nảy mầm.

Đối với các loại hạt giống có kích thước hạt to cỡ hạt mè trở lên, vỏ hạt dày và cứng bạn nên tiến hành ngâm ủ hạt:

+ Ngâm hạt: pha nước ấm với tỷ lệ 2 sôi:3 lạnh (nhiệt độ khoảng 50oC), ngâm trong khoảng từ 6 – 8 tiếng là tốt nhất. Cá biệt có một số loại hạt giống cần ngâm ở nhiệt độ cao hơn và thời gian ngâm dài hơn, bạn cần lưu ý hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.

Ngoài ra bạn cũng có thể ngâm hạt bằng các loại thuốc kích thích nảy mầm như: N3M, Atonik, Comcat… theo liều lượng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.

+ Ủ hạt: sau khi ngâm xong, vớt hạt ra và đặt vào khăn ẩm (ẩm chứ không ướt), giữ ẩm liên tục bằng cách để khăn trong hộp kín khoảng 12 – 24 tiếng. Chú ý tuyệt đối không được để khăn ủ bị khô vì hạt sẽ chết khô rất nhanh. Khi nào thấy hạt phình to và nứt vỏ thì mang đi gieo là tốt nhất (chú ý: không nên để mầm ra rễ quá dài mới mang đi gieo vì mầm sẽ dễ bị tổn thương, đứt rễ).

Nên áp dụng kỹ thuật ươm cây giống trong khay ươm, vừa tiết kiệm thời gian, vừa bảo đảm tỷ lệ cây sống cao, cây rau sẽ mau bén rễ. 

Phương pháp ủ hạt và ngâm hạt giống

Xử lý đất trước khi trồng rau vào mùa mưa

Tiến hành trộn đất, tùy theo loại đất nền mà có tỷ lệ phối trộn cho phù hợp (Nông nghiệp phố sẽ trộn theo tỷ lệ của 1 bao đất sạch Tribat 50dm3 mới mua về để các bạn tham khảo)

- Trộn 1 bao đất sạch giàu dinh dưỡng Tribat 50dm3 + 2kg phân trùn quế + 1kg trấu sống + 1-2kg xơ dừa (vì đang ở mùa mưa, bạn nên bổ sung xơ dừa và trấu để thoát nước tốt hơn).

- Ngoài việc trộn hỗn hợp đất và dinh dưỡng trên bạn nên trộn thêm một ít nấm đối kháng Trichoderma vào hỗn hợp nhằm ngăn ngừa các loại nấm bệnh trong đất giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Sau khi trộn bạn nên ủ đất khoảng 1 tuần sau đó mang đi trồng sẽ cho hiệu quả cao hơn.

- Ngoài ra, bạn có thể lót 1 lớp viên đất nung ở đáy khay (chậu) để thoát nước dễ dàng hơn, tránh ngập úng.

Chăm sóc rau vào mùa mưa hạn chế úng

  • Cắt bỏ các lá già, lá bị sâu bệnh để tạo độ thông thoáng cho mặt liếp, giúp giảm độ ẩm, ngăn ngừa sự phát sinh và phát triển của sâu bệnh hại.

  • Làm cỏ thường xuyên giúp hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ với cây trồng, đồng thời loại bỏ nơi ẩn nấp và nguồn lây lan của nấm bệnh, côn trùng gây hại cho rau màu.

  • Khai thông hệ thống thoát nước sau mỗi trận mưa lớn, nâng cao khay chậu nếu có thể để tránh ngập úng. Rửa sạch bùn, đất bám vào lá, cành và cố định cây trồng ổn định, hạn chế long gốc và hư hại bộ rễ.

  • Chọn phân bón phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây trồng, kết hợp bổ sung dinh dưỡng và áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại hiệu quả.

  • Tưới nước hợp lý khi có mưa kéo dài để duy trì độ ẩm ổn định cho cây, tránh tình trạng ngập úng.

  • Kiểm tra và khơi thông rãnh thoát nước thường xuyên để nước không bị ứ đọng, tránh gây úng cho cây.

  • Tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh giúp cây trồng phát triển rễ khỏe mạnh, tăng khả năng chịu stress do mưa lớn.

  • Phun phòng nấm và vi khuẩn định kỳ bằng các chế phẩm sinh học để bảo vệ cây trồng khỏi bệnh tật trong mùa mưa.

Cách chăm sóc rau màu bị ngập úng sau mưa lớn

Khi mưa lớn kéo dài, nhiều khu vực vườn rau sẽ bị ngập úng, gây hại cho sự phát triển của cây trồng. Thời gian ngập kéo dài từ 3-4 ngày, thậm chí cả tuần, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, cây có thể bị chết. Dưới đây là các bước chăm sóc rau bị ngập úng sau mưa lớn.

Chăm sóc rau vào mùa mưa hạn chế úng

Biện pháp chăm sóc khi cây bị ngập úng kéo dài

Cắt bỏ bớt quả trên cây

  • Trong thời gian cây bị ngập, chúng ta nên giảm gánh nặng cho cây bằng cách cắt bỏ quả. 

  • Nuôi quả sẽ khiến cây tiêu tốn nhiều dinh dưỡng, vì thế cắt bỏ quả giúp cây có thể tập trung năng lượng phục hồi và duy trì sự sống.

Sử dụng hỗn hợp EM lên men

  • Phun hỗn hợp vi sinh EM lên lá cây giúp tăng cường khả năng chống chịu và kéo dài tuổi thọ cho cây. Lặp lại ít nhất 3 ngày/lần cho đến khi nước rút. 

  • Nếu không có hỗn hợp EM, có thể thay thế bằng nước ép rau muống lên men để cung cấp dinh dưỡng cho cây trong thời gian này.

Biện pháp chăm sóc sau khi nước đã rút

Khi nước bắt đầu rút, cần thực hiện các biện pháp sau để giúp cây phục hồi nhanh chóng:

  • Hạn chế giẫm đạp lên đất: Đất sau khi ngập rất yếu và chứa nhiều nước, dễ bị nén chặt khi có người đi qua. Việc giẫm đạp sẽ tạo áp lực lên rễ cây, khiến cây bị ngạt khí và khó phục hồi.

  • Khơi thông dòng chảy và tát nước:  Sau khi nước rút, cần khơi thông rãnh thoát nước để giúp nước nhanh chóng thoát khỏi vườn rau, tránh tình trạng nước đọng gây hại cho cây.

  • Phá váng đất khi đất khô: Khi đất đã bắt đầu khô, dùng cào nhẹ để phá váng mặt đất. Điều này giúp không khí lưu thông tốt hơn, cung cấp oxy cho rễ cây, giúp cây hồi phục nhanh chóng.

  • Cung cấp dinh dưỡng cho cây:  Sau khi xử lý đất, cung cấp phân bón hữu cơ và bổ sung nước cho cây để giúp cây nhanh chóng phục hồi. Dùng phân vi sinh sẽ giúp cây dễ dàng hấp thụ dinh dưỡng và phục hồi sau ngập úng.

Lưu ý: Mỗi loại cây trồng có yêu cầu chăm sóc khác nhau, do đó cần điều chỉnh biện pháp xử lý phù hợp để tăng khả năng sống sót cho cây sau mưa lớn.

Các vấn đề thắc mắc thường gặp về chống úng cho rau mùa mưa

Có nên trồng rau trong chậu hay khay để tránh úng?

Có. Trồng rau trong chậu hoặc khay giúp nước không bị đọng lại trong đất, giảm nguy cơ ngập úng và giúp cây thoát nước tốt hơn.

Cần cắt bỏ bao nhiêu lá già khi bị ngập úng?

Cắt bỏ những lá già, lá bị sâu bệnh hoặc lá đã vàng để giảm độ ẩm và giúp cây dễ thoát nước. Không cần cắt quá nhiều, chỉ loại bỏ những lá hư hại.

Cần làm gì khi đất quá nhiều nước sau mưa lớn?

Bạn có thể khơi thông đất bằng cách cào nhẹ để phá váng và giúp đất thông thoáng, tránh tình trạng đất bị nén chặt, làm giảm khả năng cung cấp oxy cho rễ.

Tưới nước cho rau sau mưa lớn có cần thiết không?

Sau mưa lớn, không nên tưới nước ngay lập tức, vì đất đã quá ẩm. Đợi đất khô bớt và kiểm tra độ ẩm trước khi tưới lại.

Có cần thay đất cho cây khi bị ngập úng lâu ngày?

Nếu đất bị ngập lâu và có dấu hiệu của bệnh hoặc thối rữa, việc thay đất là cần thiết để đảm bảo cây không bị ngạt khí và có thể phát triển khỏe mạnh trở lại.

Chống úng cho rau mùa mưa là một yếu tố quan trọng để bảo vệ năng suất và sức khỏe cây trồng. Nhờ vào các biện pháp như làm khay, cải thiện hệ thống thoát nước, và chăm sóc kịp thời, bà con có thể giúp cây trồng vượt qua mùa mưa một cách hiệu quả. 

Đừng quên ghé Nông Nghiệp Phố để chọn mua  đất trồng, hạt giống, phân bón hay các dụng cụ làm vườn uy tín – giúp bạn trồng rau, hoa, cây cảnh tại nhà dễ dàng và hiệu quả hơn nhé!

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Nội dung bài viết