Hướng dẫn kỹ thuật trồng rau màu trong mùa mưa
0
Th 2 02/04/2018
Nội dung bài viết
Tự trồng rau sạch tại nhà rất đơn giản. Tuy nhiên, trồng rau vào mùa mưa thì các bạn cần phải lưu ý khá nhiều điều. Mùa mưa bão sắp đến, việc trồng rau trong mùa mưa gặp nhiều khó khăn cho bà con nông dân. Sau đây là kỹ thuật trồng trọt rau màu trong mùa mưa bão các bà con nên tham khảo để có trồng rau màu tốt.
Để đảm bảo sản xuất rau màu có hiệu quả hơn, hạn chế rủi ro trong mùa mưa, bà con nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật dưới đây:
1. Chọn và làm đất
- Chọn nơi đất cao, thoát nước tốt, không để rau bị ngập úng, nhất là sau các trận mưa to.
- Không nên làm đất quá nhuyễn dẫn đến đất bị gí, thiếu ô xi sẽ gây nên tình trạng nghẹt rễ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây.
2. Sử dụng màng phủ nông nghiệp
- Nên chọn mua loại màng phủ có 2 mặt. Sau khi lên liếp, bón vôi, bón phân lót, làm đất thì phủ màng, vét đất dưới rãnh ghép chặt 2 bên mép màng cho kỹ, đục lỗ và cấy cây theo khoảng cách của từng loại rau màu.
- Nếu không có điều kiện dùng màng phủ thì có thể dùng rơm rạ phủ lên luống cây. Hạt giống sau khi ươm xong tiến hành phủ rơm rạ lên trên. Bản thân rơm rạ sau khi che chở cho cây con còn là nguồn bổ sung phân hữu cơ.
3. Chọn giống
Chọn mua giống tốt, khỏe mạnh có nguồn gốc rõ ràng từ những cơ sở cung cấp giống có uy tín. Trong mùa mưa do mưa nhiều, thiếu ánh sáng, khả năng quang hợp kém hơn mùa khô do đó bà con nên chọn trồng các loại rau lá nhỏ, có bộ tán lá gọn, thời gian sinh trưởng ngắn, sớm cho thu hoạch.
4. Bón phân cân đối
- Sau khi lên luống, rải 30 kg vôi bột/sào nhằm giúp hạ phèn, góp phần tiêu diệt các mầm bệnh trong đất và cung cấp thêm lượng Ca cho cây trồng giúp phòng một số bệnh thường gặp như: thối rễ, thối trái, nứt trái trên cà, ớt… Sau khi bón vôi phải tháo nước vào cho ngập hết luống trồng từ 1-2 ngày nhằm tiêu độc, rửa phèn sau đó rút cạn nước rồi mới bón lót và làm đất.
- Bón lót theo công thức sau: Phân NPK 16-16-8 với lượng 10 kg/sào; phân chuồng hoai từ 300-500 kg/sào. Ngoài ra có thể bón kết hợp thêm các loại phân hữu cơ vi sinh, các chế phẩm sinh học nhằm tăng cường khả năng chống chịu bệnh, tăng chất lượng và mẫu mã sản phẩm.
- Chú ý bón tăng hay giảm lượng phân đạm cần thiết tùy theo nhiệt độ, ẩm độ và sự phát triển của cây theo từng giai đoạn.
5. Làm sạch cỏ dại
Cần phải làm cỏ thường xuyên để hạn chế đến mức tối đa sự cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ với cây trồng đồng thời loại bỏ được nơi trú ngụ, ẩn nấp và nguồn lây lan của nấm bệnh, côn trùng gây hại cho rau màu.
6. Chống úng ngập
Sau các trận mưa to cần khơi thông mương rãnh để thoát nước nhanh, không để ngập nước dễ gây thối rễ, chết cây và tạo điều kiện cho nấm bệnh phát sinh, phát triển và gây hại.
7. Chăm sóc cây
Thường xuyên tỉa bỏ bớt chồi, nhánh vô hiệu; bấm ngọn để cây ra các nhánh phụ nhằm hạn chế chiều cao tránh đổ ngã. Cắt bỏ các lá già, lá bị sâu bệnh, các cành, nhánh vô hiệu cách gốc 40-50cm nhằm tạo độ thông thoáng trên mặt liếp, làm giảm độ ẩm, góp phần hạn chế sự phát sinh, phát triển và gây hại của sâu bệnh.
8. Làm giàn
Làm giàn cho một số loại cây trồng như cà chua, dưa chuột, mướp đắng, đậu đỗ… Trong mùa mưa này bà con cần làm giàn kiên cố hơn so với mùa nắng nhằm giúp cho cây phát triển tốt hơn, quang hợp tốt hơn, thu hoạch được dài hơn, năng suất cao hơn, chống đổ và hạn chế được sự gây hại của sâu bệnh. Tùy theo từng loại cây trồng và điều kiện kinh tế mà làm giàn cao, thấp hoặc bằng các loại vật liệu khác nhau như tre, gỗ, lưới nilon… cho phù hợp.
Cùng Nông Nghiệp Phố theo dõi những bài viết tiếp theo nhé!
Tìm mua hạt giống, phân bón, đất sạch, dụng cụ trồng cây… tại đây -> Shop Nông nghiệp phố.