Bí quyết phòng trừ sâu bệnh trên cây họ Cải | Nông nghiệp phố
Nông Nghiệp Phố
Th 6 31/07/2020
Nội dung bài viết
Bí quyết phòng trừ sâu bệnh trên cây họ Cải
Khi nhắc đến loại rau ăn lá dễ trồng, nhanh thu hoạch, đặc biệt là có giá trị dinh dưỡng cao lại quen thuộc trong nhiều bữa cơm Việt, bạn hẳn sẽ nghĩ ngay đến cây họ Cải. Thế nhưng bạn đã biết bí quyết phòng trừ sâu bệnh trên cây họ Cải chưa ? Cùng Nông nghiệp phố tìm hiểu ngay nhé.
1. Đặc điểm của cây họ Cải
Cây họ Cải hay cây họ Thập tự, là loài rau ăn lá đa dạng với khoảng 3.700 loài. Một số cây họ Cải thông dụng và phổ biến ở Việt Nam có thể kể đến như cải bắp, cải thảo, cải bông xanh, súp lơ, cải củ, cải xoăn, cải thìa, cải cúc, cải xanh, cải ngọt, cải trời, cải ngồng, cải bó xôi, cải cầu vồng, su hào, xà lách, cải xoong…
Hầu hết các cây họ Cải ưa cái khí hậu của tiết trời mát mẽ, nó sẽ phát triển tốt hơn trong điều kiện nhiệt độ thấp, đất tơi xốp và ẩm. Vì vậy sâu bệnh hại chính trên cây họ Cải có thể kể đến như sâu tơ, sâu vẽ bùa, bọ nhảy, bệnh thối nhũn do vi khuẩn, do nấm, chuột và ốc sên.
⫸ Xem thêm: Kỹ thuật trồng rau cải tại nhà.
2. Sâu tơ, Sâu vẽ bùa trên cây họ Cải
Sâu tơ là loại sâu gây hại nhiều nhất trên cây họ Cải đặc biệt là bắp cải, su hào, cải xanh, cải trắng,… Sâu non màu nhạt, thân chia đốt rõ ràng. Sâu non tuổi nhỏ ăn thịt lá để lại biểu bì, tuổi lớn sâu ăn thủng lá làm giảm năng suất và chất lượng rau. Khi mật độ sâu cao, vườn rau bị hại xơ xác, chỉ còn trơ lại gân lá.
Sâu vẽ bùa có màu vàng xanh, mình dẹp và dài khoảng 4mm chia làm 13 đốt. Sâu thường gây hại cho cây ở giai đoạn lá non, sâu đi đến đâu, biểu bì phồng lên đến đấy, tạo thành những đường ngoằn ngoèo. Lá bị sâu gây hại thường co quắn lại và biến dạng, làm giảm khả năng quang hợp và khả năng phát triển của cây.
Để hạn chế đối tượng gây hại này bạn nên trồng xen với cây họ cà, hành, tỏi... để xua đuổi ngài trưởng thành đến đẻ trứng. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng bẫy pheromone hay miếng dán bẫy côn trùng để bắt ngài trưởng thành.
Với nhóm sâu ăn lá này, bạn cũng có thể phòng ngừa bằng cách phun các chế phấm sinh học như dịch tỏi, nano thảo mộc… giúp xua đuổi, giảm thiểu côn trùng, sâu bênh. Nhưng khi mật độ sâu hại cao cần phun thuốc trị bằng các loại thuốc trừ sâu sinh học như radiant, cóc tía, proclaim, bọ cạp hà nội, su 35…
3. Bọ nhảy trên cây họ Cải
Bọ nhảy trưởng thành có hình bầu dục, cơ thể dài khoảng 2mm – 2.5mm, cánh cứng màu đen bóng, giữa mỗi cánh có một vạch sọc màu vàng nhạt cong hình củ lạc, chân sau to khỏe, có sức nhảy xa và bay rất tốt. Một con trưởng thành có thể đẻ 200 trứng ở dưới đất xung quanh vùng rễ chính của cây.
Bọ nhảy có thể gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây nhưng mạnh nhất là khi cây còn non (7 – 10 ngày sau gieo), chúng tấn công mạnh vào lúc sáng sớm hay chiều mát, trưa nắng chúng thường ẩn nấp dưới gốc hay mặt dưới lá.
Sâu non ăn rễ phụ, đục vào gốc và rễ chính làm cây sinh trưởng kém, nếu nặng có thể héo và chết cây. Bọ nhảy trưởng thành cắn phá lá non tạo ra lỗ thủng vài mm trên khắp mặt lá, nếu nặng lá rau sẽ bị te tua, tả tơi tựa tấm lưới. Ngoài ra, chúng còn nhảy đạp lung tung làm dập nát lá rau.
Để phòng ngừa bọ nhảy, bạn có thể phun các chế phẩm sinh học như dịch tỏi, nano thảo mộc, GC mite, Biorepel… giúp xua đuổi. Nếu bọ nhảy xuất hiện với mật độ thấp, bạn có thể sử dụng bẫy côn trùng để bắt. Nhưng nếu mật độ bọ nhảy cao, bạn nên sử dụng thuốc đặc trị như Dantotsu, Yamida, SK Enpray…
4. Thối nhũn do vi khuẩn trên cây họ Cải
Bệnh xuất hiện chủ yếu trên bắp cải. Bệnh thường xuất hiện khi bắp cải đã cuốn thành bắp. Ban đầu bệnh xuất hiện bên trong lõi bắp cải, sau đó bệnh phát triển rồi thối dần ra bên ngoài. Bệnh thối nhũn do vi khuẩn thường sẽ xuất hiện các chất dịch nhớt và có mùi khó chịu.
Vì bệnh thối nhũn do vi khuẩn phát triển từ bên trong lõi ra, nên khi xuất hiện các triệu chứng rõ rệt là lúc bệnh đã rất nặng. Do đó, bạn chỉ có thể phun thuốc phòng bệnh bằng các loại thuốc như Marthian, Poner… Nếu cây bị nặng và không thể trị, bạn cần loại bỏ và thu gom cây bệnh tiêu hủy để tránh lây lan cho các cây khác.
5. Thối do nấm trên cây họ Cải
Đối với bệnh thối do nấm, vết bệnh lúc đầu chỉ là những chấm nhỏ li ti, sau đó lan dần ra, từ từ mất màu và chuyển sang nhũn làm cây cải bị gục ngã. Bệnh phát triển theo từng lớp lá, và theo chiều từ trên xuống, vì vậy phần đọt rau sẽ là phần xuất hiện những vết bệnh đầu tiên và sẽ bị thối nặng nhất.
Bạn có thể phòng ngừa bệnh thối do nấm bằng cách trộn chế phẩm sinh học nấm đối kháng Trichoderma vào trong giá thể trồng cây, hoặc bạn cũng có thể rãi trực tiếp vào gốc cây để tăng hàm lượng nấm đối kháng có lợi trong đất. Ngoài ra, cũng cần phải đảm bảo khoảng cách trồng hợp lý cũng như vệ sinh vườn thường xuyên.
Ngay sau khi phát hiện những vết bệnh đầu tiên, bạn cần phun thuốc kịp thời để ngăn chặn và trị dứt điểm mầm bệnh. Bạn có thể sử dụng các thuốc đặc trị nấm như Anvil, Daconil, Ridomil Gold 68WP, Coc 85…
6. Chuột, Ốc sên
Chuột và ốc sên là 2 loài động vật rất thích ăn phần non của cây như cây non, ngọn non, lá non mới mọc… Chỉ sau một đêm, chúng có thể cắn nát vườn rau của bạn.
Đối với chuột, ngoài việc rào chắn, bạn có thể sử dụng thuốc diệt chuột như Dethmor… Còn với ốc sên, bạn có thể sử dụng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên như bia, bã cà phê, vỏ trứng… hoặc bạn có thể sử dụng một số bã mồi như bã ốc sên… để rãi xung quanh luống/ khay trồng.
Với bí quyết phòng trừ sâu bệnh trên cây họ cải mà Nông nghiệp phố chia sẻ, hy vọng bạn sẽ có một vườn rau cải tuyệt vời.
Nông Nghiệp Phố - chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp vật tư trồng rau và hoa kiểng tại nhà với hơn 1000+ sản phẩm.
➤ Website: https://nongnghieppho.vn/
➤ Hotline: 0865 399 986