Bật mí cách chăm sóc lan Hài | NÔNG NGHIỆP PHỐ
Nông Nghiệp Phố
Th 3 17/09/2019
Nội dung bài viết
Lan Hài là một loài địa lan, thường mọc trên các lớp đất mùn của mõm đá hay trong các khe ở sườn núi. Lan hài khá dễ trồng, nếu chúng ta biết rõ những điều cây lan đòi hỏi. Hãy cùng bài viết 'Bật mí cách chăm sóc lan Hài' tìm hiểu thêm về loại địa lan này nhé.
1. Đôi nét về lan Hài
- Lá: phát triển thành từng cặp từ gốc. Cây giữ các lá này trong nhiều năm và cây sinh trưởng thành một cụm lớn.
- Rễ: hình thái đặc trưng màu xanh, do được bao phủ bằng một lớp vỏ lụa. Chức năng chính của rễ là giữ vững cây, hút dinh dưỡng và nước. Rễ phải được luôn luôn ẩm ướt, nhưng không được đọng nước.
- Dự trữ dinh dưỡng: Không giống lan như Denro, lan hài không có giả hành, do đó không thể lưu trữ nước và chất dinh dưỡng. Chính vì vậy, lan Hài không có mùa nghỉ, hoặc bị quá khô, mặc dù với hầu hết các loại hoa lan đều cần phải có sự thoát nước tốt.
- Nhân giống: Lan Hài có thể được trồng mới bằng cây con đến trưởng thành hoặc được chia tách từ cây trưởng thành. Một số loại lan Hài lai, chồi lan mọc lên từ gốc thân cây mẹ và phát triển rất nhanh.
- Khí hậu: Lan sống trong vùng khí hậu lạnh thường không có biến dị về lá, chúng thường có màu xanh, trong khi các cây sinh trưởng trong vùng ấm hơn thường có lá vằn, điều đó khiến cho chúng hấp dẫn ngay cả khi chúng chưa ra hoa.
- Điều kiện trồng: Trồng trong bóng mát. Để lan ra hoa cần có điều kiện lạnh 10-15 độ vào ban đêm (thông thường vào mùa thu), duy trì trong 3-4 tuần.
- Giá thể: Đa số các loài lan Hài sống dưới đất, có nghĩa là chúng được trồng trong đất, một số ít bám trên các cành cây và trong các hốc đá. Lan Hài tương đối dễ trồng và hoa có thể giữ được từ 8-10 tuần, ngay cả khi cắt hoa cắm lọ chúng cũng thọ được vài tuần.
- Màu sắc: Hầu hết các loại Hài lai rất đa dạng về kích cỡ và màu sắc hoa.
- Ánh sáng: Lan Hài cần ít ánh sáng, có thể sử dụng lưới che nắng 50-60%. Tuy nhiên nên để lan nhận được ánh nắng vào buổi sáng sớm.
- Nhiệt độ: Thường chia ra làm 2 loại:
Loại chịu nóng gồm lan Hài có lá đốm như: Pap. Maudie, Pap.delenatii. Cần khí hậu ban đêm lạnh xuống 6-18,3 độ C. ban ngày từ 21-29 độ.
Loại ưa mát gồm lan có lá xanh trơn như: Pap. insigne, Pap hangianum cần ban đêm cần lạnh 10-13 độ. Nhưng loại lan này cũng không ưa nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh.
2. Cách trồng lan hài đơn giản hiệu quả cho người mới bắt đầu
- Dụng cụ trồng: Các bạn có thể chọn các loại chậu đất nung, có kích thước lỗ nhỏ vừa đủ cho rễ bò lan ra. Hay có thể trồng bằng chậu gốm, sứ chỉ có 1 lỗ thoát nước ở đáy cũng được nhưng lưu ý phải thêm giá thể và chế độ thoát nước cho lan).
- Chăm sóc lan Hài
Đối với cây mới tách chỉ cần cắt các rễ đã chết khô, rửa sạch, ngâm dung dịch Atonik hoặc B1 khoảng 2-3 tiếng.
Có thể đặt chậu trên một cái khay nông chứa nước, khi tưới, nước thoát xuống rồi cứ bốc hơi dần lên cho cây hút ẩm. Hoặc kê chậu lan hài trên giàn thép, kê gạch để chậu không chạm đất hạn chế sinh vật có hại.
Lan Hài không chịu được nhiều nắng, ưa râm mát, nên đặt chậu dưới gốc cây hoặc dưới lưới che tuy nhiên sắp xếp sao cho có nắng sớm chiếu xiên vào cây 1-2 tiếng mỗi ngày nhằm diệt nấm bệnh, vi khuẩn. Hạn chế nắng buổi trưa chiếu trực vào, do có thể gây cháy lá.
3. Cách chăm lan Hài trưởng thành
- Chế độ tưới: Lan không có bầu chứa nước cho nên cần phải tưới từ 3-7 ngày/lần, tùy theo khí hậu nóng hay lạnh. Khi tưới phải tưới cho thật đẫm và tránh không bao giờ được để lan khô rễ. Nếu trồng ngoài vườn, vào mùa hè có thể tưới hàng ngày.
- Chế độ bón phân: Chỉ nên dùng lượng phân loãng để bón cho lan Hài.
Các bạn có thể tham khảo công thức: ¼ thìa cà phê gạt phân 30-10-10 hay 20-20-20 pha với 4 lít nước và chỉ bón trong mùa cây ra lá mạnh mà thôi. Mỗi tháng bón 3 lần và 1 lần xả nước cho thật đẫm giúp rửa sạch hết muối đọng trong chậu.
- Thay chậu: Trung bình mỗi năm một lần, bởi vì khi giá thể đã mục nát sẽ giữ nước và làm thối rễ. Khi rễ bị thối cây rất khó lòng hồi phuc.
Giá thể khuyến nghị gồm: Vỏ thông nhỏ 50%. Than củi vụn 20%. Dớn trắng chi lê 15%, Perlite 15%.
Khi thay chậu, phải cắt hết rễ và lá thối rồi trồng cây vào giữa chậu, và không vùi quá sâu. Lưu ý là cây con phải nằm trên mặt giá thể, không được nén quá chặt và dùng chậu quá lớn vì lan sinh sản rất chậm. Khi tách nhánh nên giữ tối thiểu 3 nhánh. Cắt bỏ cành hoa cũ ở đỉnh của cây.
Ẩm độ trung bình 40-50%. Chỗ để lan cần thoáng đãng, không nên để vào trong góc và để sát nhau quá.
4. Một số chú ý khi trồng lan hài
- Về tưới nước, ngày tưới 1 lần, ngày mưa hoặc ẩm thì không cần tưới, ta có thể kiểm tra bằng cách cầm 1 viên giá thể lên nếu thấy đã khô hoàn toàn thì có thể tưới, còn ẩm mát thì thôi.
- Trước mùa hoa 4-5 tháng phun B1, chuyển sang bón NPK giàu P (lân) 10-30-10 mỗi lần/tuần để kích hoa, đồng thời tưới thưa đi 4-5 ngày / lần.
- Khoảng tháng 6-9 dương lịch vào mùa mưa, nên phun thuốc phòng nấm bệnh (Topsin, Kamsu 2L...) 1 lần/tháng, nếu đã bị bệnh thì phun theo chỉ dẫn trên nhãn 1 lần/tuần cho đến khi khỏi bệnh.
- Phun nước vôi trong khoảng 15 ngày/lần. Việc phun nước Vôi là để trung hòa độ pH chất trồng. Lan hài phát triển tốt khi pH=7. Việc chỉ tưới phân hóa học hoặc nước mưa chưa axit ở thành phố làm giảm pH chất trồng rất nhanh. Điều này, kéo theo, pH xuống thấp làm hỏng rễ lan hài từ đó cây không hút được nước và dinh dưỡng và lụi dần đến chết.