DANH MỤC SẢN PHẨM

Cách trồng dưa lưới: tất cả những gì bạn cần biết | Nông nghiệp phố

Nông Nghiệp Phố
Th 2 27/07/2020
Nội dung bài viết

Cách trồng dưa lưới: tất cả những gì bạn cần biết!

 

Dưa lưới là một loại quả rất ngon và bổ dưỡng được nhiều người yêu thích. Hiện nay dưa lưới trên thị trường rất phổ biến, tuy nhiên nhiều nông dân phố vẫn thích tự tay trồng và thu hoạch. Đó không đơn thuần là đảm bảo một nguồn thực phẩm sạch, mà còn là nguồn vui, nơi con người trút bỏ mệt mỏi sau giờ làm để hòa mình với thiên nhiên.

 

Hy vọng sau bài viết “cách trồng dưa lưới: tất cả những gì bạn cần biết” này, bạn sẽ dễ dàng hơn hơn trong việc trồng và chăm sóc cây dưa lưới. Chúc bạn có vườn dưa lưới sai trĩu quả.

 

1. Công dụng của dưa lưới

 

cach-trong-dua-luoi

 

Dưa lưới mang trong mình rất nhiều vitamin A, vitamin C, vitamin E, Kali và các chất chống oxy hóa. Bên cạch đó, dưa lưới chứa nhiều chất xơ nên có tác dụng nhuận trường, chống táo bón. Ngoài ra, do chứa hàm lượng acid folic cao, dưa lưới rất có lợi cho phụ nữ mang thai, giúp thai nhi khỏe mạnh.

 

Nhờ chứa một hàm lượng lớn chất dinh dưỡng mà dưa lưới rất tốt cho sức khỏe con người, giúp phòng chống bệnh ung thư và tăng cường hoạt động miễn dịch, ngăn ngừa chứng loãng xương, hạ huyết áp. Bên cạnh đó, nước ép dưa lưới cũng có thể giúp cải thiện tình trạng khó thở, giảm sự mệt mỏi, chữa được chứng mất ngủ.

 

Đối với làn da, dưa lưới có khả năng phục hồi và tái tạo tế bào da, cung cấp độ ẩm và giúp trẻ hóa làn da, chống lão hóa, loại bỏ nám tàn nhang và nếp nhăn, duy trì độ đàn hồi của da. Ngoài ra, sử dụng dưa lưới thường xuyên còn là phương pháp ngăn rụng tóc, kích thích mọc tóc hiệu quả.

 

2. Sơ lược về cây dưa lưới

 

Dưa lưới là cây dạng thân leo, thân cây thường có lông nhám, lá rộng và che bóng cho cây, mỗi cây đều có cả hoa đực và hoa cái. Hoa đực thường nhỏ hơn, có phần gốc thon và màu vàng sáng. Hoa cái lớn hơn và có phần phình ra ở gốc hoa, khi được thụ phấn, nó sẽ phồng lên trở thành quả dưa sau này.

 

Hoa dưa lưới được thụ phấn nhờ ong là chính, nhưng bạn cũng có thể hỗ trợ thụ phấn bằng cọ hoặc tăm bông. Bạn sẽ lấy phấn hoa từ những bông hoa đực rồi để vào hoa cái.

 

cach-trong-dua-luoi

 

Cây dưa lưới trưởng thành sẽ bắt đầu ra hoa từ 1 -1.5 tháng sau khi trồng. Sau khi được thụ phấn thành công, khoảng 1 tháng sau thì dưa chín và bạn có thể thu hoạch. Bạn chỉ nên giữ trái ở tầng lá thứ 9 đến tầng lá thứ 12 thôi, mỗi dây nên giữ một quả thôi.

 

Dưa lưới có quả hình hơi tròn, trọng lượng từ 1.5 - 3.5 kg, da quả màu xanh, khi chín ngả xanh vàng và có các đường gân trắng đan xen như vân lưới. Thịt dưa lưới thường màu vàng da cam hoặc xanh nhạt, vị ngọt thanh.

 

3. Trồng dưa lưới thôi nào!

 

a. Trồng dưa lưới khi nào?

 

Dưa lưới là cây ưa nhiệt, chịu lạnh kém, phát triển tốt trong điều kiện đầy đủ ánh sáng. Nếu trồng dưa lưới vào thời tiết lạnh, cây sẽ kém phát triển, nhiều sâu bệnh và chất lượng đậu quả cũng kém hơn, trái nhỏ và không được ngọt.

 

Tuy nhiên, do chúng ta trồng bằng chậu, thùng xốp nên hoàn toàn có thể chủ động được. Vì vậy trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm, bạn muốn bắt đầu trồng lúc nào cũng được.

 

b. Trồng dưa lưới ở đâu?

 

Vì dưa lưới là cây ưa sáng, bạn nên chọn địa điểm có nhiều ánh sáng mặt trời, diện tích rộng và không bị che phủ bởi bóng râm. Nếu trồng ở nơi có không gian hẹp thiếu ánh sáng, cây sẽ cho quả bé và chất lượng quả không tốt.

 

Bạn có thể trồng dưa lưới trong chậu hoặc các thùng xốp, tuy nhiên cần đảm bảo rằng đường kính chậu phải không nhỏ hơn 25cm. Cũng nên lưu ý về khoảng cách trồng thích hợp là hàng cách hàng 70cm và cây cách cây 45cm.

 

c. Cách trồng dưa lưới?

 

Bước 1: Ươm hạt giống

 

Dùng viên nén xơ dừa để ươm hạt, viên nén sau khi ngâm nước 2 đến 3 phút sẽ nở to thành 1 bầu ươm. Dùng tăm/ que khảy nhẹ miệng viên nén rồi đặt hạt vào sâu khoảng 1cm và lấp nhẹ lại.

 

Có thể ngâm hạt với nước ấm 3 - 6 giờ rồi mang đi ươm hoặc ươm trực tiếp hạt vào viên nén đều được.

 

Tưới phun sương để giữ viên nén luôn được đủ ẩm đảm bảo cho hạt nảy mầm.

 

cach-trong-dua-luoi

 

Bước 2: Trộn giá thể trồng

 

Đất trồng dưa lưới phải thật sự giàu dinh dưỡng, đảm bảo độ tơi xốp, có khả năng giữ ẩm tốt. Ví dụ như đất thịt nhẹ, đất cát pha trộn chung với xơ dừa, trấu hun, một vài loại phân hữu cơ như phân gà, phân bò, phân trùn quế…

 

Đề mọi người dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị đất trồng, Nông Nghiệp Phố gợi ý combo trộn đất và dinh dưỡng trồng dưa lưới tiện lợi như sau:

 

Trộn giá thể trồng với 2 bao đất sạch cao cấp Namix + 4 mùn dừa ép bánh đã được ngâm rã + trùn quế sfarm 5kg + 500g phân gà Dynamic 3-4-3.

 

Ngoài hỗn hợp giá thể trên bạn nên trộn thêm một ít chế phẩm nấm đối kháng trichoderma để ngăn ngừa nấm bệnh, bảo vệ cây được khỏe mạnh.

 

Với lượng hỗn hợp giá thể trong combo có thể vào được 10 chậu trồng đường kính 25cm.

 

cach-trong-dua-luoi

 

Mua Combo trộn đất và dinh dưỡng trồng dưa lưới TẠI ĐÂY.

 

Bước 3: Trồng dưa lưới

 

Sau khi ươm 12 -15 ngày có thể mang cây con đi trồng vào chậu đã chuẩn bị sẵn.

4. Kỹ thuật chăm sóc dưa lưới

 

a. Ánh sáng và nhiệt độ

 

Ánh sáng đầy đủ là điều kiện lý tưởng cho dưa lưới, nhiệt độ thích hợp là 21 – 31C. Nếu dưới 10C, cây sẽ bị lạnh và phát triển không tốt, có thể dẫn đến chết cây.

 

Trong điều kiện khí hậu quá nóng, nên cung cấp một chút bóng râm ở thời điểm nắng nóng nhất trong ngày (khoảng 12h – 15h). Việc che nắng sẽ thật sự cần thiết nếu nhiệt độ tăng cao hơn 35C, vì dây leo dễ bị héo do khí hậu quá nóng.

 

b. Nước và độ ẩm

 

Để có được những quả dưa ngon ngọt, cây dưa lưới sẽ cần được tưới nước thường xuyên. Nhưng điều quan trọng là bạn nên tưới nước ở gốc cây chứ không làm ướt lá. Bạn nên sử dụng các que cắm tưới nhỏ giọt. Nếu bạn sử dụng bình phun hay ống tưới, nên tưới nước vào sáng sớm để lá nhanh chóng khô ráo.

 

Với cây dưa lưới, 0.5l – 0.7l nước mỗi cây trong một ngày là phù hợp, chỉ cần đảm bảo đất đủ ẩm là được. Những ngày nắng nóng bạn có thể tưới nhiều hơn, và những ngày ẩm trời thì tưới ít lại. Tránh tình trạng tưới quá nhiều nước dẫn đến úng và thối rễ.

 

Giảm tưới nước khi trái bắt đầu chín để đảm bảo lượng đường trong thịt dưa. Tưới nhiều nước trong giai đoạn này vẫn sẽ tạo ra một quả dưa ngon, nhưng nó sẽ ít ngọt như nó có thể có được.

 

c. Đất trồng dưa lưới

 

Đất trồng dưa lưới cần phải đảm bảo độ tơi xốp và thoát nước tốt. Bên cạnh đó, nên bổ sung chất hữu cơ để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây dưa lưới phát triển.

 

Nên chọn đất trung tính, pH khoảng 6 – 6.5. Đất kiềm nhiều sẽ dẫn đến cây trồng bị vàng ở những bộ phận tăng trưởng mới. Đất chua có thể làm giảm sản lượng trái cây.

 

d. Phân bón

 

Trồng dưa lưới, đất tốt và chế độ tưới phù hợp là điều kiện tiên quyết nhưng vẫn chưa đủ mà cần phải có chế độ phân bón hợp lý nữa.

 

Khi bạn sử dụng các loại phân hữu cơ, bạn có thể không cần phải bón phân thường xuyên vì những loại phân này sẽ cung cấp một nguồn dinh dưỡng đa dạng và liên tục cho cây.

 

Tuy nhiên, vào từng giai đoạn phát triển khác nhau dưa cần chế độ bón phân khác nhau. Giai đoạn đầu phát triển cây cần nhiều đạm, bắt đầu ra hoa cây cần hàm lượng lân và kali cao hơn đảm bảo cây cho quả ngon, giòn ngọt.

 

Vì thế ngoài việc sử dụng phân hữu cơ cần kết hợp thêm các loại phân vô cơ với lượng dùng và thời gian cách ly hợp lý để cây phát triển được tốt nhất mà vẫn tạo ra một sản phẩm an toàn với sức khỏe chúng ta.

 

e. Làm giàn

 

Khi cây phát triển được 5 - 6 lá là thời điểm bạn cần làm giàn cho dây leo. Bạn có thể sử dụng cọc, que cắm làm giàn hay lưới làm giàn để tạo giàn cho cây. Nếu như trồng cạnh hàng rào, bạn có thể tận dụng luôn hàng rào này để cho cây leo.

 

f. Cắt tỉa và nuôi dưỡng

 

Khi cây được vài lá thật, cây dưa lưới sẽ đẻ nhánh ở các nách lá. Lúc này, cần phải bỏ hết những nhánh này đi, chỉ để nhánh ở nách lá thứ 8 - 10. Khi nhánh này mọc dài, tiến hành bấm ngọn cho nhánh, chỉ giữ lại một hoa cái và một lá cạnh hoa cái.

 

Giai đoạn bấm ngọn tiếp theo là khi hoa được thụ phấn và quả lớn dần lên. Lúc này ta đếm lá trên thân chính và bấm ngọn, chỉ giữ lại 22 - 25 lá trên thân chính tính từ gốc để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

 

cach-trong-dua-luoi

 

Bạn chỉ nên để lại một quả trên mỗi cây. Điều này để đảm bảo rằng cây dành tất cả dinh dưỡng để tạo ra một trái lớn, ngon ngọt thay vì nhiều quả nhỏ hơn, ít hương vị hơn.

 

g. Thụ phấn

 

Nếu như khu vực của bạn ít ong, bướm trong giai đoạn cây ra hoa, thì bạn nên giúp cây thụ phấn nhân tạo, tăng khả năng đậu quả.

 

5. Thu hoạch và bảo quản dưa lưới

 

Sau khi trồng 58 – 62 ngày, bạn có thể thu hoạch được những quả dưa lưới đầu tiên rồi. Quả dưa khi chín thường có màu trắng ngà hay màu vàng, mùi thơm nhẹ, gân lưới xuất hiện rõ và đồng đều. Cuốn của dưa lưới nứt xung quanh, có màu vàng trên 1/3 cuốn. Khi cắt, bạn nên cắt chừa khoảng 10cm từ cuốn ba.

 

cach-trong-dua-luoi

 

Trước khi thu hoạch, bạn nên ngưng tưới nước 3 - 5 ngày để dưa có thể giòn và ngọt hơn. Và sau khi hái, để khoảng 1 - 2 ngày sau ở nhiệt độ phòng rồi hãy thưởng thức, dưa sẽ ngọt hơn là lúc bạn ăn ngay.

 

6. Một số vấn đề thường gặp khi trồng dưa lưới

 

a. Điều kiện thiên nhiên ảnh hưởng đến cây dưa lưới

 

Điều kiện lạnh có thể làm hỏng lá và dây leo. Ngoài ra, cây dưa lưới đòi hỏi điều kiện ấm áp để ra hoa và hình thành quả.

 

Thiếu nước có thể dẫn đến lá vàng và rụng hoa. Mặt khác, quá nhiều nước cũng có thể gây ra vấn đề vì nó có thể dẫn đến tình trạng thối rễ. Hãy chắc chắn rằng đất thoát nước tốt, nhưng bạn vẫn duy trì độ ẩm của đất phù hợp.

 

b. Sâu bệnh hại trên cây dưa lưới

 

Dưa lưới dễ mắc các loại bệnh như lở cổ rễ, phấn trắng, sương mai, khảm lá, héo xanh. Trên dưa lưới thường xuất hiện các loại côn trùng gây hại như nhện đỏ, bọ trĩ, bọ phấn, rầy mềm... Vì thế cần phải thường xuyên thăm vườn, giữ vườn thông thoáng, kịp thời phát hiện và xử lý sâu bệnh để cây luôn được xanh tốt.

 

Hy vọng qua bài viết “cách trồng dưa lưới: tất cả những gì bạn cần biết” này, Nông nghiệp phố đã chia sẻ được kĩ thuật trồng và chăm sóc cây dưa lưới, cũng như những công dụng mà dưa lưới mang lại.


Nông Nghiệp Phố - chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp vật tư trồng rau và hoa kiểng tại nhà với hơn 1000+ sản phẩm. 

➤ Website: https://nongnghieppho.vn/

➤ Hotline: 0865 399 986

Phân trùn quế SFARM viên nén tan chậm dành cho Lan

39,000₫
Giảm 3% đơn từ 249K. Chỉ áp dụng khi đặt tại Website

Nội dung bài viết