DANH MỤC SẢN PHẨM

Các loại thuốc trừ sâu: Phân loại, tác dụng & cách sử dụng an toàn

Lê Trần Han Ny
Th 6 06/06/2025
Nội dung bài viết

Thuốc trừ sâu là giải pháp quen thuộc giúp bà con bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh. Hiểu rõ các loại thuốc trừ sâu sẽ giúp sử dụng đúng cách, an toàn và hiệu quả. Cùng Nông Nghiệp Phố tìm hiểu chi tiết để canh tác bền vững, năng suất cao hơn!

 

Thuốc trừ sâu là gì? Công dụng và vai trò trong nông nghiệp

Thuốc trừ sâu là chế phẩm được sử dụng để tiêu diệt, xua đuổi hoặc ngăn chặn sự phát triển của các loại sâu hại trên cây trồng. Đây là một phần trong nhóm thuốc bảo vệ thực vật, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như ở nước ta, sâu bệnh phát sinh quanh năm và ngày càng có xu hướng kháng thuốc. Vì vậy, sử dụng thuốc trừ sâu đúng cách sẽ giúp bà con:

  • Phòng trừ sâu bệnh kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về năng suất.

  • Tăng cường sức đề kháng cho cây, hỗ trợ cây sinh trưởng ổn định.

  • Bảo vệ thành quả canh tác, giúp tiết kiệm chi phí chăm sóc dài hạn.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng hoặc sử dụng sai cách, thuốc trừ sâu có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường và làm giảm chất lượng nông sản. Do đó, việc hiểu rõ và lựa chọn đúng loại thuốc trừ sâu là yếu tố then chốt trong sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.

Thuốc trừ sâu là gì? 

Các cách phân loại thuốc trừ sâu phổ biến hiện nay

Trên thị trường hiện nay, thuốc trừ sâu được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau nhằm giúp bà con lựa chọn và sử dụng đúng với từng loại sâu hại, từng điều kiện canh tác. Dưới đây là 4 cách phân loại phổ biến, dễ hiểu và thiết thực nhất với người làm nông.

Phân loại theo đối tượng sinh vật gây hại

Đây là cách phân loại phổ biến và dễ hiểu nhất, giúp bà con chọn đúng loại thuốc tùy theo loài sâu bệnh đang gây hại:

  • Thuốc trừ sâu (cắn, nhai): Dùng để diệt các loại sâu có miệng nhai như sâu ăn lá, sâu đục thân, sâu cuốn lá,... Loại này thường được phun trên tán lá, thân cây nơi sâu hoạt động.

  • Thuốc trừ rầy, rệp (chích hút): Được thiết kế để tiêu diệt nhóm côn trùng có vòi chích hút như rầy nâu, rệp muội, rệp sáp,... Những loài này thường hút nhựa cây, làm cây héo vàng nhanh chóng.

  • Thuốc trừ nhện đỏ, bọ trĩ: Dùng riêng cho nhóm sâu hại nhỏ, khó thấy bằng mắt thường như nhện đỏ, bọ trĩ. Chúng thường trú ẩn ở mặt dưới lá, gây xoăn lá, bạc lá, thối trái non,...

Phân loại này giúp bà con chọn đúng thuốc, tránh lãng phí và tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh.

Các loại thuốc trừ sâu - Phân loại theo đối tượng sinh vật gây hại

Phân loại theo nguồn gốc điều chế

Dựa trên nguồn gốc tạo thành, thuốc trừ sâu được chia làm 2 nhóm chính: thuốc trừ sâu hóa học và thuốc trừ sâu sinh học. 

Thuốc trừ sâu hóa học

Thuốc trừ sâu hóa học là loại phổ biến nhất hiện nay. Được tổng hợp từ các hợp chất hóa học, tác dụng nhanh, hiệu lực mạnh, nhưng nếu sử dụng không đúng cách sẽ tiềm ẩn nguy cơ tồn dư và ảnh hưởng sức khỏe.

Một số gốc hoạt chất chính trong nhóm hóa học gồm:

  • Lân hữu cơ (Organophosphate)

    • Cơ chế: Ức chế enzyme thần kinh của sâu, làm tê liệt và chết.

    • Ví dụ: Chlorpyrifos được sử dụng phổ biến trong các bẫy mồi để chống mối cho công trình; Diazinon có thể tiêu diệt côn trùng nhanh chóng sau khi tiếp xúc, ngộ độc dạ dày hoặc tác dụng toàn thân; Malathion được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp để kiểm soát nhiều loại côn trùng gây hại trên cây trồng, trong y tế công cộng để chống lại các bệnh do véc tơ truyền và trong chăn nuôi để quản lý ký sinh trùng ngoài da.

    • Đặc điểm: Tác dụng mạnh, độc tính cao, thường phải có thời gian cách ly sau phun dài hơn.

  • Carbamate

    • Cơ chế: Tác động tương tự lân hữu cơ nhưng thời gian tồn dư ngắn hơn.

    • Ví dụ: Carbaryl được sử dụng để kiểm soát côn trùng gây hại trên nhiều loại trái cây, rau quả, ngũ cốc, cây cảnh, và thậm chí cả trong quản lý cỏ; Methomyl là thuốc trừ sâu được sử dụng để kiểm soát côn trùng gây hại trên lá và đất trên nhiều loại cây lương thực và thức ăn chăn nuôi, bao gồm rau và cây ăn quả.

    • Đặc điểm: Hiệu quả nhanh, thường dùng thay thế để luân phiên tránh kháng thuốc.

  • Cúc tổng hợp (Pyrethroid)

    • Cơ chế: Gây rối loạn hệ thần kinh của sâu hại.

    • Ví dụ: Permethrin là một hoạt chất phổ biến được ứng dụng làm dược phẩm và thuốc diệt côn trùng, thường gặp nhất là thuốc diệt muỗi; Cypermethrin là một chất độc thần kinh Cholinergic gây co giật và tử vong khi côn trùng tiếp xúc phải; Deltamethrin có chức năng tiếp xúc và độc tính với dạ dày, tiếp xúc nhanh và hạ gục mạnh, không có hành động bốc khói và có hệ thống, và có tác dụng đuổi côn trùng đối với một số loài gây hại ở nồng độ cao.

    • Đặc điểm: Ít độc với người, phân hủy nhanh ngoài môi trường, phù hợp rau màu, cây ngắn ngày.

  • Neonicotinoid

    • Cơ chế: Bắt chước chất dẫn truyền thần kinh, gây rối loạn và tử vong ở côn trùng.

    • Ví dụ: Imidacloprid được sử dụng để kiểm soát các loại côn trùng chích hút như rầy, rệp, bọ trĩ và nhiều loại côn trùng gây hại khác trên cây trồng; Thiamethoxam trừ sâu hại chích hút, đặc biệt là rầy nâu, bọ trĩ, rệp, bọ xít muỗi…; Acetamiprid hoạt động bằng cách can thiệp vào hệ thần kinh của côn trùng, khiến chúng mất kiểm soát và chết. Được coi là ít độc hại cho ong mật và có thể sử dụng an toàn trên nhiều loại cây trồng.

    • Đặc điểm: Có tính nội hấp và lưu dẫn mạnh, hiệu quả cao trên côn trùng chích hút.

  • Gốc khác (ít phổ biến hơn): như Phenylpyrazole (Fipronil), Avermectin hóa học,...

Gợi ý: Nên luân phiên các gốc hóa học khác nhau để tránh sâu bệnh kháng thuốc.

Thuốc trừ sâu sinh học

Thuốc trừ sâu sinh học là xu hướng mới, rất được khuyến khích trong canh tác sạch, hữu cơ. Các hoạt chất được chiết xuất từ thiên nhiên: vi sinh vật, thảo mộc, enzyme,...

Các gốc sinh học phổ biến gồm:

  • Vi sinh vật (vi khuẩn, nấm, virus)

    • Ví dụ: Bacillus thuringiensis (BT) được sử dụng để kiểm soát các loài côn trùng gây hại trên cây trồng, đặc biệt là các loại sâu thuộc bộ Lepidoptera (cánh vảy) như sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, sâu đục thân, sâu cuốn lá; Metarhizium anisopliae còn được gọi là nấm xanh, được ứng dụng để diệt sâu bệnh bằng cách xâm nhập vào cơ thể côn trùng, ký sinh và sinh sản bên trong chúng,...

    • Đặc điểm: Làm sâu bệnh bị nhiễm bệnh rồi chết từ từ. Hiệu quả cao với sâu tơ, sâu xanh, bọ trĩ,...

  • Chiết xuất từ thảo mộc

    • Ví dụ: Neem (Azadirachtin) có thể giúp bảo vệ cây trồng khỏi nhiều loại sâu, nấm bệnh, tuyến trùng và vi khuẩn gây hại; tinh dầu gừng, tỏi, ớt,...

    • Đặc điểm: Gây ức chế ăn, rối loạn sinh trưởng hoặc xua đuổi côn trùng.

  • Enzyme hoặc hormone sinh học

    • Ví dụ: Chitinase có khả năng thủy phân chitin, một thành phần chính của thành tế bào nấm bệnh, giúp giảm thiểu sự phát triển của nấm và bảo vệ cây trồng khỏi các bệnh do nấm gây ra; Juvenile hormone analogs,...

    • Đặc điểm: Ức chế sinh trưởng, làm sâu non không hóa nhộng được, chết non.

Gợi ý: Thuốc sinh học cần phun đúng thời điểm (khi sâu còn nhỏ), kiên trì sử dụng để đạt hiệu quả tối ưu.

Các loại thuốc trừ sâu - Theo nguồn gốc điều chế hóa học và sinh học

Phân loại theo cơ chế tác động

Mỗi loại thuốc sẽ có cách tiêu diệt sâu bệnh khác nhau, cụ thể:

Thuốc tiếp xúc

  • Cách hoạt động: Thuốc tiêu diệt sâu khi chúng tiếp xúc trực tiếp với thuốc – thường là bò, đậu, hoặc cọ sát vào vùng cây trồng đã được phun.

  • Lưu ý khi dùng:

    • Cần phun thật đều, đặc biệt ở mặt dưới lá – nơi sâu thường trú ẩn.

    • Hiệu lực nhanh nhưng không kéo dài lâu, dễ bị rửa trôi khi mưa.

  • Phù hợp với: Sâu ăn lá, sâu tơ, sâu cuốn lá, bọ trĩ,...

Thuốc nội hấp

  • Cách hoạt động: Sau khi phun, thuốc được cây hấp thu vào bên trong mô lá, thân, rễ,... Khi sâu ăn phải phần mô cây chứa thuốc sẽ bị ngộ độc và chết.

  • Lưu ý khi dùng:

    • Không cần phun quá đều vì thuốc sẽ được cây “hút” và phân bố đều.

    • Ít bị rửa trôi, hiệu quả kéo dài hơn thuốc tiếp xúc.

  • Phù hợp với: Rầy nâu, rệp muội, sâu ăn tán lá nhỏ,...

Thuốc lưu dẫn

  • Cách hoạt động: Thuốc có thể di chuyển trong hệ thống mạch dẫn của cây – từ lá xuống rễ, từ rễ lên lá – giúp diệt sâu hại ở khắp nơi trên cây, kể cả sâu ẩn sâu trong thân hoặc rễ.

  • Lưu ý khi dùng:

    • Tác dụng toàn cây, phù hợp với cây ăn trái, cây lâu năm.

    • Thường kết hợp cả nội hấp và lưu dẫn.

  • Phù hợp với: Sâu đục thân, sâu đục quả, sâu gây hại trong đất,...

Thuốc xông hơi (fumigant)

  • Cách hoạt động: Khi sử dụng, thuốc sẽ bay hơi thành dạng khí, len lỏi vào những khe kẽ nhỏ nhất để tiêu diệt sâu ẩn nấp.

  • Lưu ý khi dùng:

    • Cần che phủ tốt hoặc sử dụng trong nhà lưới, nhà kính, kho trữ hàng.

    • Độc tính cao, cần bảo hộ kỹ khi dùng.

  • Phù hợp với: Diệt mọt trong kho, sâu trong đất, nhện đỏ, côn trùng bay,...

Gợi ý dùng hiệu quả:

  • Kết hợp luân phiên các cơ chế (tiếp xúc – nội hấp – lưu dẫn) để tránh kháng thuốc.

  • Dựa vào tập tính của sâu hại để chọn cơ chế phù hợp – ví dụ: sâu ăn lá dùng tiếp xúc, sâu hút nhựa dùng nội hấp.

Các loại thuốc trừ sâu - Theo cơ chế tác động

Các dạng bào chế của thuốc trừ sâu phổ biến

Thuốc trừ sâu không chỉ đa dạng về hoạt chất mà còn có nhiều dạng bào chế khác nhau. Hiểu rõ từng dạng giúp bà con chọn được sản phẩm phù hợp với điều kiện canh tác và cách sử dụng hiệu quả nhất.

Dưới đây là những dạng thuốc phổ biến hiện nay:

Dạng nước

  • SC (Suspension Concentrate) – Huyền phù: Là dạng thuốc sệt, dễ lắc đều, ít mùi, ít gây nóng cây.

  • EC (Emulsifiable Concentrate) – Nhũ dầu: Pha loãng với nước sẽ tạo thành dạng sữa đục, thẩm thấu nhanh.

  • SL (Soluble Liquid) – Dung dịch: Tan hoàn toàn trong nước, dễ pha, hiệu lực nhanh.

Ưu điểm: Dễ sử dụng, thẩm thấu nhanh, hiệu quả cao.

Dạng bột

  • WP (Wettable Powder) – Bột hòa nước: Phải khuấy đều khi pha, dễ lắng nếu để lâu.

  • SP (Soluble Powder) – Bột tan: Tan hoàn toàn trong nước, dễ dùng hơn WP.

Ưu điểm: Rẻ, dễ bảo quản.
Nhược điểm: Dễ bụi, cần khẩu trang khi pha chế.

Dạng hạt

  • GR (Granule) – Hạt rải: Thường dùng để rải vào đất hoặc hốc cây, thẩm thấu dần qua rễ.

Ưu điểm: Tác động chậm, hiệu quả lâu dài, ít gây hại thiên địch.
Thường dùng cho: Sâu trong đất, tuyến trùng, sâu rễ,...

Dạng khác

  • Dạng viên nén: Giải phóng chậm, tiện lợi cho cây lâu năm hoặc trồng chậu.

  • Dạng khí, xông hơi: Dùng trong kho bảo quản hoặc nhà kính, diệt sâu ở không gian kín.

Mẹo nhỏ khi chọn dạng thuốc:

  • Dạng nước dễ phun, phù hợp phun diện rộng.

  • Dạng bột, hạt phù hợp rải gốc, diệt sâu đất hoặc rải luống.

  • Luôn đọc kỹ hướng dẫn để pha và sử dụng đúng cách.

Top 5 thương hiệu thuốc trừ sâu được tin dùng hiện nay

Dưới đây là những thương hiệu uy tín, được bà con và chuyên gia nông nghiệp tin dùng nhờ chất lượng ổn định và khả năng kiểm soát sâu bệnh tốt:

Syngenta (Thụy Sĩ)

Một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về nông dược. Sản phẩm của Syngenta nổi bật nhờ công nghệ hiện đại, tác dụng mạnh, ít gây cháy lá.

  • Anvil 5SC: Hiệu quả với nhiều loại bệnh phổ biến trên cây trồng.

  • Ridomil Gold 68WG : Phòng trừ nấm bệnh, thối rễ, xì mủ cực tốt.

Bayer CropScience (Đức)

Thương hiệu lâu đời với nhiều dòng thuốc trừ sâu – bệnh – cỏ được tin dùng ở Việt Nam. Ưu điểm là dễ sử dụng, hiệu lực kéo dài.

  • Nativo 750WG: Chuyên trị đạo ôn, phấn trắng, rỉ sắt, đốm lá...

  • Antracol 70WP: Giúp cây tăng đề kháng, phòng bệnh tốt khi thời tiết thay đổi.

BASF (Đức)

Chuyên cung cấp thuốc BVTV và dinh dưỡng cây trồng cao cấp. Sản phẩm của BASF thường có phổ tác dụng rộng và ít kháng thuốc.

  • Các dòng thuốc diệt sâu cuốn lá, sâu đục thân có lưu dẫn mạnh.

  • Nhiều sản phẩm kết hợp được cả trị bệnh và sâu.

Tập đoàn Lộc Trời (Việt Nam)

Doanh nghiệp nội địa tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông dược. Sản phẩm phù hợp cây trồng khí hậu Việt Nam, giá cả hợp lý.

Gợi ý sản phẩm:

  • Các dòng trừ rầy, rệp, nhện đỏ phổ biến trên lúa, rau màu như thuốc trừ bệnh paramax 400SC,...

  • Có nhiều thuốc sinh học kết hợp dinh dưỡng cây.

Công ty TNHH Điền Trang (Việt Nam)

Doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh dòng thuốc sinh học thế hệ mới.
Sản phẩm thân thiện môi trường, phù hợp trồng rau – hoa – cây ăn trái tại nhà.

  • Các dòng thuốc sinh học chiết xuất thảo mộc như Hoạt chất sinh học Chito phòng trừ nhện đỏ và bọ trĩ trên cây hoa hồng; 

  • Chế phẩm bảo vệ thực vật hữu cơ, dễ sử dụng, ít độc hại

Top các thương hiệu thuốc trừ sâu được tin dùng

Hướng dẫn sử dụng thuốc trừ sâu an toàn, hiệu quả

Sử dụng thuốc trừ sâu đúng cách không chỉ giúp diệt trừ sâu bệnh hiệu quả mà còn bảo vệ sức khỏe, giảm chi phí và tránh tồn dư trong nông sản. Dưới đây là những nguyên tắc quan trọng bà con cần nắm rõ:

Nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc

Đúng thuốc:

  • Chọn đúng loại thuốc cho đúng loại sâu hại.

  • Ưu tiên sản phẩm có đăng ký sử dụng trên cây trồng của mình.

Đúng liều lượng:

  • Pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn trên bao bì, không tự ý tăng liều.

  • Quá liều không giúp diệt sâu nhanh hơn mà còn gây hại cây và tồn dư.

Đúng lúc:

  • Phun vào thời điểm sâu còn non, hoạt động mạnh (sáng sớm hoặc chiều mát).

  • Tránh phun khi trời mưa hoặc nắng gắt.

Đúng cách:

  • Phun đều hai mặt lá, thân, gốc.

  • Sử dụng dụng cụ phun phù hợp, vệ sinh sạch sau khi dùng.

Những lưu ý khi pha chế, phun xịt và bảo quản

  • Dụng cụ bảo hộ: Mang khẩu trang, găng tay, áo dài tay, kính bảo hộ khi pha và phun.

  • Pha thuốc: Dùng nước sạch, pha trong nơi thoáng mát, không có người và vật nuôi xung quanh.

  • Sau khi phun: Giặt sạch đồ bảo hộ, rửa tay chân kỹ bằng xà phòng.

  • Bảo quản: Để thuốc nơi khô ráo, xa tầm tay trẻ em, không cất chung với thực phẩm.

Hạn chế rủi ro ngộ độc và bảo vệ môi trường

  • Tuyệt đối không sử dụng thuốc ngoài danh mục của Bộ Nông nghiệp.

  • Không phun thuốc gần ao cá, nguồn nước sinh hoạt hoặc khi có gió mạnh.

  • Không vứt bao bì, chai lọ bừa bãi ra môi trường – cần thu gom và xử lý đúng nơi quy định.

Câu hỏi thường gặp về các loại thuốc trừ sâu

Có nên dùng hoàn toàn thuốc sinh học không?
Nên ưu tiên nếu trồng rau sạch, trái cây. Tuy nhiên, có thể kết hợp hóa học khi sâu bệnh nặng.

Làm sao chọn đúng thuốc?
Dựa vào biểu hiện cây trồng và loại sâu gây hại. Nên hỏi kỹ kỹ thuật viên hoặc đại lý.

Thuốc trừ sâu có hại sức khỏe không?
Có, nếu dùng sai cách. Nên tuân thủ đúng liều, thời gian cách ly, mang đồ bảo hộ khi phun.

Sau khi phun bao lâu thì thu hoạch được?

  • Sinh học: 2–3 ngày

  • Hóa học: 7–14 ngày (Xem hướng dẫn trên bao bì)

Có cần đổi thuốc thường xuyên không?
Có. Luân phiên gốc hoạt chất giúp tránh kháng thuốc, tăng hiệu quả diệt sâu.

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng về các loại thuốc trừ sâu: từ định nghĩa, phân loại theo đối tượng – nguồn gốc – cơ chế tác động, đến cách sử dụng an toàn và hiệu quả. Bà con cũng có thêm gợi ý các thương hiệu uy tín, cũng như giải đáp nhanh những thắc mắc thường gặp khi sử dụng thuốc trừ sâu.

Để canh tác hiệu quả, an toàn và bền vững, đừng quên lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật, đất trồng, hạt giống, phân bón, giá thể hay các dụng cụ làm vườn tại Nông Nghiệp Phố – nơi cung cấp đầy đủ sản phẩm chính hãng, hỗ trợ kỹ thuật tận tình. Bắt đầu hành trình trồng rau – hoa – cây trái sạch ngay tại nhà cùng Nông Nghiệp Phố bạn nhé!

THÔNG TIN LIÊN HỆ

 

Nội dung bài viết