Bật mí cách trồng đinh lăng trong chậu siêu dễ cho nhà ở phố | Nông nghiệp phố
Nông Nghiệp Phố
Th 3 08/06/2021
Nội dung bài viết
Bật mí cách trồng đinh lăng trong chậu siêu dễ cho nhà ở phố
Được mệnh danh là nhân sâm của những người nghèo, đã từ rất lâu đinh lăng là một loại cây dược liệu được mọi người ưa chuộng không chỉ vì tác dụng tuyệt vời mà còn vì sức sống dẻo dai và bền bỉ của nó. Chính vì vậy hôm nay Nông nghiệp phố sẽ đồng hành cùng bạn trồng loại cây dược liệu cực kì dễ này nhé!
1. Đặc điểm của cây đinh lăng bạn đã biết chưa?
Đinh lăng hay còn được gọi với nhiều cái tên quen thuộc khác như cây gỏi cá, nam dương sâm,… có tên khoa học là Polyscias fruticosa L, và theo một số nghiên cứu cho biết thì cây đinh lăng cùng họ với nhân sâm.
Cây đinh lăng có nguồn gốc từ Thái Bình Dương, vì có nhiều công dụng hữu ích nên được nhân rộng ra ở Malaysia, Lào, Campuchia… Ở Việt Nam cây đinh lăng được trồng ở khắp mọi nơi để làm cảnh hay làm thuốc trong y học cổ truyền.
Thân cây nhỏ, có thể cao từ 1-2 mét. Có lá kép lông chim 2-3 lần, mọc so le với nhau, lá chét có răng cưa nhọn. Hoa đinh lăng thì có màu lục nhạt hoặc trắng xám, quả dẹt, màu trắng bạc.
Đinh lăng thích hợp trồng ở những nơi có khí hậu nhiệt đới 2 mùa rõ rệt nhưng thường phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Đây là loài cây trồng lâu năm, có khả năng chịu được hạn hán cao, nhưng không thể chịu được ngập úng.
Dựa vào hình dạng của lá mà người ta chia đinh lăng thành nhiều loại khác nhau như đinh lăng nếp, đinh lăng tẻ, đinh lăng lá tròn,…
2. Ý nghĩa và tác dụng của cây đinh lăng
a. Ý nghĩa phong thủy của đinh lăng
Trong phong thủy, đinh lăng mang lại cho ngôi nhà của bạn một không khí tươi mát, trong lành. Ngoài ra nó còn có thể hấp thụ được chất độc và diệt trừ điềm xấu có trong nhà ở.
Không chỉ vậy, cây đinh lăng còn giúp gia chủ ngăn chặn khí xấu xông vào nhà, và trấn giữ nguồn năng lượng tốt đó để giữ được tài lộc không bị thất thoát. Hay có thể coi đinh lăng là một vị “thần giữ của” cho chủ nhà.
Ngoài việc làm cảnh góp phần cho ngôi nhà của bạn thêm phần gần gũi với thiên nhiên thì đinh lăng được trồng phổ biến chính là do công dụng nhiều không xuể mà nó đem lại.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì trong đinh lăng có chứa một hàm lượng lớn các chất dinh dưỡng thiết yếu mà rất khó tìm trong các loại thực phẩm khác như có các loại alkaloid, glucosid, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6, các axit amin (bao gồm lycin, cystein và methionin) và nhiều nguyên tố vi lượng khác.
Không giống như hầu hêt các loại cây khác chỉ dùng một hay ít bộ phận, hầu như tất cả các bộ phận của đinh lăng đều có tác dụng riêng.
b. Công dụng tuyệt vời của lá đinh lăng
Phần lá của cây đinh lăng được dùng dưới dạng thuốc sắc là phổ biến nhất. Lá đinh lăng có rất nhiều công dụng như điều trị ho, tắc tia sữa, đau tức vú cho sản phụ, chữa kiết lị, suy nhược cơ thể,… Đồng thời, sử dụng lá đinh lăng làm gối còn có tác dụng giúp đưa bạn vào giấc ngủ một cách dễ dàng hơn.
c. Rễ đinh lăng-nhân sâm cho người nghèo
Theo một số nghiên cứu thì trong rễ đinh lăng có chứa thành phần chất Saponin gần giống như nhân sâm và các vitamin cần thiết cho cơ thể con người.
Chính vì vậy, sử dụng rễ cây đinh lăng ngâm rượu có thể tăng cường thể lực, giải tỏa căng thẳng, lo âu và kích thích não độ hoạt động tốt hơn. Không những vậy một số bệnh về gan, thận, hệ miễn dịch cũng có thể sử dụng rễ đinh lăng để điều trị.
d. Thân và cành đinh lăng-thần dược trị các vấn đề về xương khớp
Nếu bạn bị mắc các triệu chứng đau lưng, mỏi gối, đau nhứt xương khớp thì việc dùng thân cành đinh lăng ngâm rượu, sắc nước thuốc để uống là một cách điều trị dễ dàng hiệu quả mà không hề tốn kém nhiều.
e. Công dụng của nụ hoa đinh lăng
Không chỉ có rễ, nụ hoa đinh lăng cũng có thể đem phơi khô để ngâm rượu, sắc lấy nước uống, công dụng chính là tăng cường trí nhớ, lợi tiểu, hỗ trợ trong việc điều trị chứng đau đầu.
Thật kì diệu đúng không nào vậy thì bạn còn ngại ngùng gì nữa mà không cùng Nông nghiệp phố bắt tay ngay vào việc trồng một chậu đinh lăng cho nhà mình nào! Đối với đinh lăng thì có 2 phương pháp trồng chính là giâm hom và trồng bằng hạt.
Tuy nhiên hôm nay Nông nghiệp phố sẽ hướng dẫn bạn trồng theo cách gieo hạt bởi cây trồng bằng từ hạt thì tuổi đời của cây luôn lâu hơn, cây sống khỏe hơn, phát triển mạnh hơn là cây giâm hom.
3. Kỹ thuật trồng cây đinh lăng trong chậu tại nhà bằng hạt ai cũng làm được
a. Thời vụ
Đinh lăng có thể trồng quanh năm tuy nhiên để cây sinh trưởng và phát triển tốt thì nên trồng vào tháng 2-4 và từ tháng 7-8 hàng năm.
b. Chuẩn bị đất
Đối với cây đinh lăng thì bạn nên chọn đất tơi xốp, đặc biệt là phải khả năng giữ nước và thoát nước tốt. Bạn có thể phối trộn đất theo công thức 3 đất sạch : 3 phân trùn quế : 2 giá thể trấu hun : 2 giá thể mụn dừa.
Sau khi trộn giá thể trồng bạn có thể bổ sung thêm chế phẩm nấm Tricoderma để tăng cường hệ vi sinh có lợi trong đất, hạn chế được một số nấm bệnh, giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh.
Nhưng sẽ dề dàng hơn rất nhiều nếu bạn sử dụng đất sạch hữu cơ Sfarm chuyên cho hoa, cây kiểng thì việc trồng cây sẽ vô cùng tiện lợi và tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức. Cây con của bạn sẽ được được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong 60 ngày sau trồng mà bạn không cần phải phối trộn thêm bất cứ thành phần nào.
Đồng thời bạn cần phải chuẩn bị chậu trồng có kích thước tùy theo sở thích và vị trí đặt chậu của bạn. Tuy nhiên phải là chậu có lỗ thoát nước vì đinh lăng không chịu được ngập nước.
c. Chuẩn bị giống
Tùy theo điều kiện và sở thích mà bạn có thể chọn giống đinh lăng phù hợp. Tuy nhiên Nông nghiệp phố bạn nên chọn mua ở cửa hàng uy tín để đảm bảo chọn được hạt giống có chất lượng và tỉ lệ nảy mầm cao.
Ngâm hạt giống từ 8-12 giờ. Để kích thích hạt giống ra rễ nhanh và đều thì nên pha thêm dung dịch kích thích ra rễ ngâm cùng như Dekamon, Comcat, Litosen, Atonik...
Sau đó vớt ra rửa sạch đem ủ trong khăn ẩm 12 giờ và phải luôn giữ độ ẩm cho khăn, khi thấy hạt có dầu hiệu nảy mầm thì đem gieo ngay.
d. Tiến hành trồng
Cách 1: Gieo trực tiếp lên đất
Xới lại đất cho tơi xốp rồi lấy ngón tay tạo một lỗ sâu 2-3cm. Gieo hạt vào lỗ với đầu rễ hướng xuống đất sau đó phủ một lớp đất mỏng lên trên. Tưới nước đều nhẹ nhàng giữ ẩm cho hạt nảy mầm.
Có thể phủ thêm rơm, mụn dừa hay trấu hun để đất có thể thoáng mát,tăng tỉ lệ nảy mầm cho cây.
Cách 2: Gieo hạt vào chậu nhựa mềm (Túi bầu ươm cây)
Giá thể ươm hạt bạn có thể sử dụng giá thể mụn dừa, giá thể trấu hun, giá thể Peatmoss… Sau đó bạn cho giá thể vào các chậu nhựa mềm ươm hạt đã chuẩn bị, đặt hạt vào giữa các lỗ rồi phủ nhẹ lại bằng giá thể ươm.
Cuối cùng bạn tưới nước giữ ẩm rồi đặt ở vị trí thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp. Khi cây lên cao khoảng 15-20 cm, thân đã khá cứng cáp thì đem trồng ra chậu đất trồng đã chuẩn bị.
Chú ý: Phải tiến hành che nắng bằng lưới che nếu điều kiện thời tiết quá nắng nóng để cây không bị mất nước sau khi trồng.
4. Chăm sóc cây đinh lăng trồng chậu
a. Ánh sáng
Đinh lăng là loài cây phát triển mạnh dưới nhiều ánh sáng, vì vậy nên trồng cây trên sân thượng cao, ban công hay những nơi có ánh sáng trực tiếp chiếu vào để cây có thể đón được lượng ánh sáng phù hợp.
b. Chế độ nước
Lúc mới trồng bạn cần tưới ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều để cung cấp đầy đủ nước để cây tăng khả năng sống và sinh trưởng phát triển cứng cáp. Khi cây đã sinh trưởng mạnh thì chỉ cần tưới ngày 1 lần là đủ vì cây đinh lăng chịu úng kém, cây bị úng sẽ chết rễ và còi cọc.
c. Chế độ dinh dưỡng
Cây đinh lăng là cây dễ phát triển nên không đòi hỏi hàm lượng dinh dưỡng nhiều. Tuy nhiên để cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh thì bạn nên bổ sung dinh dưỡng định kỳ cho cây.
Sau khi trồng 10-15 ngày thì cây bắt đầu bước vào thời sinh trưởng nên trong giai đoạn này bạn cần bổ sung lượng phân bón hữu cơ như phân bò, phân gà, trùn quế… hoặc phân bón lá hữu cơ đạm cá, Org Hum, Seasol… định kì 15-20 ngày/ lần.
Bón thúc lần 1: Sau khi trồng 2-3 tháng khi cây ra lá mới, chồi ngọn phát triển, bạn cần bổ sung các loại phân NPK có hàm lượng đạm cao như 30-9-9, 20-20-15…với để cây có điều phát triển thân cành rễ.
Tiến hành pha 50gam phân cho 2 lít nước và tưới đều cho gốc. Bón định kì 1 tháng / lần, 2-3 lần như vậy. Đặc biệt sau mỗi lần bón phân thì bạn phải nhớ tưới lại kĩ bằng nước sạch.
Bón thúc lần 2: Sau lần 1 khoảng 5-6 tháng với lượng NPK tăng gấp đôi là 100gam. Bón phân cách gốc 15-20 cm, sau đó lấy đất phủ kín phân với cách bón này thì cây sẽ hút dinh dưỡng một cách từ từ và ổn định hơn.
d. Làm cỏ, tỉa cành
Sau khi trồng được 1 năm tuổi trở đi, thì chúng ta nên cắt bỏ bớt cành và lá thừa vào khoảng tháng 4 và tháng 9 hàng năm. Mỗi gốc chỉ nên để 1-2 cành to để dinh dưỡng tập trung nuôi củ. Thường xuyên dọn cỏ sạch sẽ trong chậu, tránh để cỏ vừa cạnh tranh dinh dưỡng với cây, vừa là nơi cư trú, lan truyền mầm bệnh.
e. Sâu bệnh hại
Thối rễ, chết cây con
• Xuất hiện khi cây còn nhỏ và non, sau khi cây được 5-7 ngày tuổi, cây bị thối gốc héo rũ chết. Nếu không phòng trừ kịp thời sẽ lây hết vườn.
• Để phòng trị bệnh này bạn có thể sử dụng các chế phẩm phòng trừ nấm hại gây ra như Ridomil Gold, Antracol…
Sâu xanh, sâu khoang, rầy hại
• Khi thấy cây bị sâu bệnh hại tấn công nhẹ thì bạn có thể sử dụng các chất trừ sâu điều chế từ thiên nhiên để đảm bảo an toàn sức khỏe cho gai đình như GE gừng, dịch tỏi, hoạt chất sinh học Neem Chito… nặng thì bạn có thể sử dụng Randiant, Confidor…
• Bênh cạnh đó kể từ năm thứ 2 trở đi thì cây dễ bị chuột cắn rễ khi đó bạn cần có các biện pháp để diệt chuột như đặt bẩy chuột hoặc để an toàn với môi trường, không độc hại cho người thì bạn cũng có thể sử dụng thuốc diệt chuột Storm.
f. Thu hoạch
Thông thường thì đinh lăng trồng được 3 năm tuổi là có thể cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch rơi vào tháng 10-12 hàng năm. Tùy vào mục đích sử dụng mà bạn có thể cắt lá thân hay đào cả củ rễ.
5. Một số lưu ý khi dùng đinh lăng
Cũng giống như tất cả mọi việc trên đời đều có mặt phải và trái, không phải cái gì dùng nhiều cũng đều tốt, đinh lăng cũng không ngoại lệ. Vì vậy khi dùng bạn cần phải chú ý Saponin là chất có nhiều trong rễ đinh lăng mà nó lại có tính phá huyết sẽ làm vỡ hồng cầu, vì vậy chỉ dùng khi cần thiết và phải dùng đúng liều đúng cách.
Chúng ta không được dùng rễ đinh lăng với liều cao bởi sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy. Đặc biệt, khi sử dụng rễ đinh lăng phải dùng những cây đã có từ 3-5 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, phụ nữ đang mang thai hoặc người mắc các bệnh mãn tính nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bài thuốc từ thảo dược này.
⫸ Xem thêm: trồng và chăm sóc cây đinh lăng cẩm thạch trong nhà
⫸ Xem thêm: công dụng, cách trồng và chăm sóc cây xương cá trồng chậu
⫸ Xem thêm: ý nghĩa phong thủy, vị trí trồng, cách trồng và cách chăm sóc cậy vạn tuế
Mong rằng với những điều bổ ích mà Nông nghiệp phố đã chia sẻ trên sẽ giúp bạn có thể trồng thành công những chậu đinh lăng xanh mướt đem lại nhiều công dụng tuyệt vời. Xin cám ơn và hẹn gặp lại bạn ở những bài viết sau.
Nông Nghiệp Phố - chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp vật tư trồng rau và hoa kiểng tại nhà với hơn 1000+ sản phẩm.
➤ Website: https://nongnghieppho.vn/
➤ Hotline: 0865 399 986