DANH MỤC SẢN PHẨM

Sâu bệnh hại phổ biến trên cây họ bầu, bí, dưa

Nông Nghiệp Phố
Th 2 25/01/2021
Nội dung bài viết

Sâu bệnh hại phổ biến trên cây họ bầu, bí, dưa
 

1. Bọ rầy dưa

 

Bọ rầy có kích thước khá to, bằng đầu đũa ăn, màu cam, bay chậm, có thể bắt bằng tay vào sáng sớm khi chúng ăn phá cây con. Ấu trùng màu trắng ngà, ăn phần rễ hoặc thân gần mặt đất. Bọ rầy thường xuất hiện vào giai đoạn cây con của cây họ bầu bí, búp non thường bị cắn mất hoặc các lá non bị cắn thành nhiều lỗ to dị dạng.

 

* Biện pháp phòng trừ:

 

Thu gom và tiêu hủy cây sau khi thu hoạch hoặc chất thành đống tạo bẫy để bọ rầy tập trung, sau đó phun thuốc.

 

Dịch tỏi Dona hoặc dung dịch tỏi ớt tự làm ở nhà là chế phẩm sinh học an toàn sẽ có tác dụng xua đuổi khi sử dụng thường xuyên định kỳ. Hoặc có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu như: Regent 0.3 G, Motox 5EC, SK Enspray 99EC,…

 

2. Ruồi đục lá (Sâu vẽ bùa)

 

Trên lá cứ xuất hiện ngày một nhiều những đường ngoằn ngoèo, màu trắng bạc. Có những chỗ nhiều đường tập trung lại thành một mảng lớn làm cho chỗ lá đó bị khô rồi chết, cây còi cọc dần do bị mất diệp lục khả năng qua hợp kém.

 

Ruồi đục lá thường chỉ gây hại nhiều từ khi lá bầu bí bước vào giai đoạn bánh tẻ trở đi, đây là giai đoạn hoạt động quang hợp của lá rất mạnh, vì thế nếu không phát hiện sớm và có biện pháp diệt trừ kịp thời thì cây rất dễ bị mất sức, ảnh hưởng nhiều đến năng suất.

 

* Biện pháp phòng trừ:

 

Cắt bỏ những lá đã bị sâu hại quá nặng, mang ra khỏi vườn tiêu hủy để hạn chế bớt mật độ của ruồi ở các lứa sau.

 

Nếu cây đã bị gây hại nhiều nên sử dụng một trong các loại thuốc như: Trigard, Radiant, Su35, Cóc tía, thuốc có chứa hoạt chất Cyromazine… để phun xịt.

 

Ruồi đục lá có vòng đời ngắn, mặt khác chúng lại sinh sản rất nhiều nên chúng rất nhanh quen thuốc, vì thế cần thường xuyên thay đổi loại thuốc để tranh bị quen thuốc nhanh.

 

3. Nhện đỏ

 

Trên lá bắt đầu xuất hiện những vệt lấm tấm trắng như cám, lâu dần cả lá biến thanh màu bạc trắng trong khi gân lá vẫn còn xanh, phiến lá bị biến dạng, mép lá cong lên phía trên, cây còi cọc, ra hoa đậu quả rất ít. Nhìn kĩ thì thấy ở mặt dưới của lá có những con nhỏ li ti như bọ mạt gà, màu xanh vàng, màu hồng hay đỏ đậm.

 

* Biện pháp phòng trừ:

 

Không trồng quá dày giữ vườn luôn được thông thoáng.

 

Kiểm tra thường xuyên để phát hiện và có biện pháp diệt trừ nhện kịp thời.

 

Do kích thước của nhện đỏ rất nhỏ nên khó có thể nhìn được bằng mắt thường nên có thể dùng kính lúp để quan sát. Hoặc ngắt lấy những lá nghi đang có nhện đặt ngửa lá trên một tờ giấy trắng rồi dùng tay miết mạnh vào mặt lá, nếu thấy trên mặt tờ giấy xuất hiện những chấm nhỏ có màu đỏ, màu hồng hay màu xanh vàng thì những vết đó chính là dịch cơ thể của những con nhện bị vỡ ra dính vào. Những chấm này càng nhiều, chứng tỏ mật độ nhện càng cao.

 

Nếu thấy nhện gây hại nhiều, nên dùng luân phiên bằng một trong các loại thuốc sau: Danitol 10 EC, Ortus 5 EC, Pegasus 500 SC, SK Enpray 99 EC… phun ướt đều 2 mặt của lá.
 

4. Bọ trĩ

 

Thành trùng và ấu trùng rất nhỏ có màu trắng hơi vàng, sống tập trung trong đọt non hay mặt dưới lá non, chích hút nhựa cây làm cho đọt non bị xoăn lại. Bọ trĩ gây hại nặng làm đọt non sượng, chùn lại, gây hiện tượng ngù đọt. Bọ trĩ cũng là môi giới lan truyền bệnh khảm cho cây họ bầu, bí, dưa.

 

* Biện pháp phòng trừ


Tạo điều kiện thông thoáng trong vườn, đảm bảo đủ nước, chăm sóc cây luôn khỏe mạnh. Kiểm tra thường xuyên để phát hiện bọ trĩ gây hại kịp thời, trong mùa nắng khô nóng, tưới phun mưa để duy trì độ ẩm, có thể dùng vòi tưới nước mạnh trên lá để rửa trôi khi có bọ trĩ.

 

Sử dụng bẫy dính màu vàng hoặc xanh da trời để thu hút côn trùng, bọ trĩ trưởng thành.

 

Cây bị gây hại nặng có thể dùng các loại thuốc trị bọ trĩ luân phiên nhau như: Radiant, confidor, movento, SK Enpray,… để phun trị. Do bọ trĩ có tính kháng thuốc rất cao nên việc phun luân phiên thuốc là rất cần thiết. Nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát vì lúc này bọ trĩ sẽ bò ra ngoài thuốc dễ dàng tiếp xúc và cho hiệu quả cao.

5. Bọ phấn trắng

 

Thành trùng màu trắng bóng, dài 3-4 mm, bay chậm, hình dáng giống như bướm. Âu trùng rất giống rệp dính, màu trắng trong, được phủ một lớp sáp, ít bò, thường cố định một chổ chích hút mô cây. Trứng, ấu trùng và thành trùng luôn luôn hiện diện ở mặt dưới lá trên các loại cây ăn trái, bầu bí, dưa, cà, ớt,... Ấu trùng và thành trùng đều chích hút làm lá biến vàng, cây mau suy yếu, giảm năng suất và truyền bệnh khảm virus.

 

* Biện pháp phòng trừ

 

Thường xuyên giữ vườn thông thoáng, tưới vườn thường xuyên không nên để vườn quá khô.

 

Sử dụng thuốc để phòng trừ bọ phấn trắng như: Radiant, Dantosu, GC Mite, Yamida, Bassa…

 

6. Rầy nhớt – rầy mềm

 

Còn được gọi là rầy mật, cả ấu trùng lẫn thành trùng đều rất nhỏ, dài độ 1-2mm, có màu vàng, sống thành đám đông ở mặt dưới lá non từ khi cây có 2 lá mầm đến khi thu hoạch, chích hút nhựa làm cho ngọn dây dưa chùn đọt và lá bị vàng.

 

Rầy gây hại trầm trọng nếu tấn công các dây chèo hay đỉnh sinh trưởng. Rầy mềm thường tập trung với số lượng lớn ở đọt non làm lá bị quăn queo và phân tiết ra thu hút nhiều nấm đen bao quanh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trái.

 

Rệp sống tập trung ở chồi non và ở mặt dưới lá khi cây có 2 lá mầm đến khi thu hoạch và mạnh nhất sau khi cây đậu trái, tán lá rậm rạp, rệp chích hút nhựa làm cho ngọn chùn lại, cây sinh trưởng kém, mật độ rệp cao có thể làm khô cả lá. Rệp còn là môi giới truyền các loại bệnh virus cho cây. Trong giai đoạn có hoa nếu bị tấn công với mật số cao thì hoa dễ bị rụng, nhất là vào thời kỳ cho trái non, gây hiện tượng rụng trái hay trái bị méo mó.

 

* Biện pháp phòng trừ

 

Môi trường ẩm ướt là điều kiện bất lợi để rầy mềm, rầy nhớt phát triển vì thế việc tưới vườn thường xuyên cũng giúp hạn chế được việc sử dụng thuốc hóa học.

 

Tỉa bớt lá già, tiêu hủy các lá có rệp gây hại nặng.

 

Do rầy chích hút lây truyền bệnh nên việc phát hiện sớm và phun thuốc trừ rệp sớm để ngăn ngừa ngay từ khi mật số rệp còn ít.

 

Có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu, trừ rệp như: SK Enpray 99EC, Sairifos 585 EC, Radiant, Confidor, … do có tính kháng thuốc cao nên cần sử dụng thuốc luân phiên để tránh rầy bị quen thuốc.

 

7. Bọ rùa 28 chấm

 

Ấu trùng và con trưởng thành ăn biểu bì lá, để lại màng mỏng. Nếu mật số bọ rùa cao, lá có thể bị ăn trơ trụi chỉ còn gân chính, làm cây sinh trưởng kém. Ngoài ra bọ còn ăn trái non, con trưởng thành hoạt động mạnh vào lúc sáng sớm và chiều mát. Bọ gây hại từ lúc cây con đến trưởng thành, nhiều nhất là khi cây ra hoa, có trái non.

 

* Biện pháp phòng trừ

 

Ngắt bỏ lá bị hại và có nhộng bám, bắt giết bọ non và bọ trưởng thành khi mật số bọ còn thấp.

 

Chỉ áp dụng dùng thuốc hóa học khi thật cần thiết vì sẽ ảnh hưởng đến thiên địch có lợi. Các loại thuốc có thể sử dụng luân phiên để phòng trừ loại bọ này như: Ascent 20SP, Moxtox 5, Dragon 585EC, …

 

8. Chết cây con, lở cổ rễ

 

Thường  do các loại nấm như Pythium sp., Phytopthora sp., Rhizoctonia solani gây ra. Phần thân dưới mặt đất bị thối khô và có màu nâu sẫm đến đen. Vết bệnh thường giới hạn ở phần ngoài của thân và các cây bị nhiễm có thể bị đổ hoặc lá bị rủ, xám bóng và có màu xanh lục. Những cây bị nhiễm sẽ còi cọc và chết. Nấm gây bệnh tồn tại trong đất, thích hợp với ẩm độ và nhiệt độ cao.

 

* Biện pháp phòng trừ

 

Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm. Khi phát hiện cây bệnh cần nhanh chóng loại bỏ ra khỏi vườn để tránh lây lan sang cây khác.

 

Có thể sử dụng các loại thuốc đặc trị nấm bệnh để phòng trừ hiệu quả như: Ridomil gold, Aliette, Revus Opti, Daconil,…

 

9. Bệnh héo xanh vi khuẩn

 

Bệnh do vi khuẩn Erwinia sp. và Pseudomonas sp. gây ra. Cây đang sinh trưởng tốt thì đột ngột bị héo rũ trong khi các lá vẫn còn xanh. Cắt ngang gốc thân cây bệnh thấy các mạch dẫn bị nâu đen, bóp mạnh vào chỗ gần mặt cắt sẽ tiết ra chất dịch vi khuẩn màu trắng đục. Vi khuẩn trong đất xâm nhập vào rễ cây rồi phát triển rất nhanh trong mạch dẫn, ngăn cản sự hấp thu vận chuyển nước làm cây bị héo.

 

* Biện pháp phòng trừ

 

Nên giữ vườn luôn khô thoáng, tránh bị đọng nước vì vi khuẩn lây lan rất nhanh trong điều kiện ẩm ướt nhiều.

 

Tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy cây bị bệnh để tránh lây lan snag những cây còn khỏe khác trong vườn.

 

Tốt nhất nên phun ngừa trước khi cây bị bệnh bằng các loại thuốc có chưa hoạt chất kháng sinh, thuốc gốc đồng như: Physan, Marthiant, Starner, Kasumin, …

 

10. Chạy dây, héo rũ, chết muộn

 

Do nấm Fusarium sp. gây ra. Cây bị mất nước, chết khô từ đọt, thân đôi khi bị nứt, trên cây con bệnh làm chết rạp từng đám. Trên cây trưởng thành, nấm gây hại từ thời kỳ ra hoa đến tượng trái, cây dưa bị héo từng nhánh, sau đó héo đột ngột như bị thiếu nước rồi chết cả cây. Nấm bệnh thường lưu tồn trong đất, nhất là điều kiện đất ẩm ướt nhiều bệnh phát triển và lây lan rất nhanh.

 

* Biện pháp phòng trừ

 

Giữ vườn luôn được khô ráo, thông thoáng, tránh trồng quá dày để hạn chế nguồn bệnh lây lan.

 

Làm đất kỹ trước khi trồng bằng cách rải vôi sát khuẩn, sử dụng chế phẩm nấm trichoderma để tiêu diệt và phòng ngừa mầm mống bệnh trong đất.

 

Khi phát hiện cây bệnh cần tiên hành nhổ bỏ và mang đi tiêu hủy.

 

Sử dụng các loại thuốc trị nấm bệnh như: Ridomil gold 68wg, Aliette, Antracol, Coc85,…


11. Thán thư

 

Bệnh do nấm Colletotrichum sp. gây ra.

 

Trên lá già: đốm bệnh lúc đầu là những điểm tròn màu vàng nhạt, dần biến màu nâu và có các đường vòng đồng tâm.

 

Trên thân: vết bệnh lõm màu vàng, sau trở thành màu đen, trên mặt vết lõm có lớp phấn dày màu hồng. Nếu trời khô, ở chỗ vết bệnh tạo thành các đường nứt, khi trời ẩm các mô bào cây bị thối.

 

Trên trái: vết bệnh có màu nâu đen, tròn, đường kính khoảng 2-4mm, có vòng, khoang hơi lõm vào vỏ, xung quanh có đường viền vàng nâu, giữa vết bệnh nứt ra và sinh lớp phấn màu hồng (bào tử nấm). Bệnh nặng, vết bệnh hòa vào nhau tạo thành các vết loét ăn sâu vào trong thịt trái, ảnh hưởng đến phẩm chất trái.

 

* Biện pháp phòng trừ

 

Chuẩn bị, xử lý đất trồng thật kỹ trước khi trồng, sử dụng chế phẩm nấm đối kháng trichoderma để phòng ngừa nấm bệnh trong đất.

 

Bệnh phát triển nhanh trong điều kiện nóng ẩm vì thế cần có biện pháp phòng trừ thích hợp bằng các loại thuốc như: Anvil 5SC, Ridomil gold, Revus Opti,…

 

12. Cháy lá giữ thân, khô đọt

 

Bệnh do nấm Phytophthora sp. gây ra bệnh gây hại nặng khi mật độ trồng dày, cây bị úng, thoát nước kém khi trời mưa nhiều. Bệnh gây hại nặng trên lá, trái và gốc thân. Bệnh có thể gây hại bất kỳ vị trí nào trên lá, thường phát triển từ rìa mép lá rồi lan dần vào trong, vùng bệnh như bị úng nước, chuyển sang màu đen và thối nhũn.

 

Trên trái bệnh chỉ gây hại trên trái non làm trái bị thối đen và nhũn. Ở thân, bênh thường gây hại ở phần cổ rễ, thân bị úng nước mất màu, sau đó chỗ vết bệnh chuyển sang màu nâu đen nhũn ra và gây thối cả rễ, làm chết cây.

 

* Biện pháp phòng trừ

 

Không nên trồng quá dày, giữ cho đất luôn thoáng, thoát nước tốt độ ẩm vừa phải. Phòng bệnh bằng các loại chế phẩm sinh học nấm đối kháng như: nano gold trichoderma, chế phẩm nấm đối kháng Cpart (Phytophthora)…

 

Khi cây bị bệnh cần sử dụng các loại thuốc trị bệnh như: Ridomil gold, Aliette, Revus opti, Daconil,…


13. Bệnh sương mai

 

Bệnh do nấm Pseudoperonospora cubensis (Berkley et Curtis) Rostovzew. Bệnh hại các bộ phận lá, thân cành, thậm trí cả quả nhưng hại lá là chủ yếu.

 

Trên lá vết bệnh lúc đầu chỉ là những chấm nhỏ không màu hoặc màu xanh nhạt sau đó chuyển sang màu xanh vàng đến nâu nhạt, hình tròn, đa giác hoặc hình bất định. Vết bệnh thường nằm rải rác trên lá hoặc nằm dọc các gân lá, vết bệnh có góc cạnh không định hình. Mặt dưới lá chỗ vết bệnh thường hình thành một lớp nấm mốc màu trắng xám đó là các cành và bào tử phân sinh của nấm gây bệnh. Bệnh nặng, nhiều vết hợp lại thành vết lớn, gây rách nứt các mô tế bào bị bệnh, thậm chí làm lá biến dạng, cây phát triển yếu và chết.

 

* Biện pháp phòng trừ

 

Biện pháp có hiệu quả để phòng trừ bệnh này là tiêu diệt tàn dư thân, lá bệnh, rải vôi sát khuẩn ngay sau khi thu hoạch.

 

Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện  ẩm độ cao, mưa nhiều nhiệt độ thấp, cần kiểm tra thường xuyên để nhaanh chóng phát hiện bệnh khi mới chớm.

 

Tiến hành phun thuốc kịp thời ngay sau khi bệnh xuất hiện với một trong những loại thuốc sau: Daconil, Aliette 80WP, Score 250ND,…

Phân trùn quế SFARM viên nén tan chậm dành cho Lan

39,000₫
Giảm 3% đơn từ 249K. Chỉ áp dụng khi đặt tại Website

Nội dung bài viết